Hotline 0939 629 809

Các phép tính cộng, trừ, nhân, chia số thập phân, quy tắc dấu ngoặc? Toán 6 chân trời Tập 2 chương 6 Bài 2

16:25:2029/11/2023

Lý thuyết Bài 2: Các phép tính với số thập phân chương 6 SGK Toán 6 Chân trời sáng tạo Tập 2. Nội dung về Các phép tính cộng, trừ, nhân, chia số thập phân, quy tắc dấu ngoặc

Các phép tính cộng, trừ, nhân, chia số thập phân, quy tắc dấu ngoặc như nào? câu trả lời sẽ có ngay trong nội dung bài viết này.

1. Cộng, trừ hai số thập phân 

Để thực hiện các phép tính cộng và trừ các số thập phân, ta áp dụng các quy tắc về dấu như khi thực hiện các phép tính cộng và trừ các số nguyên.

- Muốn cộng hai số thập phân âm, ta cộng hai số đối của chúng rồi thêm dấu trừ đằng trước kết quả.

- Muốn cộng hai số thập phân trái dấu, ta làm như sau:

• Nếu số dương lớn hơn hay bằng số đối của số âm thì ta lấy số dương trừ đi số đối của số âm.

• Nếu số dương nhỏ hơn số đối của số âm thì ta lấy số đối của số âm trừ đi số dương rồi thêm dấu trừ (−) trước kết quả.

- Muốn trừ số thập phân a cho số thập phân b, ta cộng a với số đối của b.

* Nhận xét:

- Tổng của hai số thập phân cùng dấu luôn cùng dấu với hai số thập phân đó.

- Khi cộng hai số thập phân trái dấu:

• Nếu số dương lớn hơn số đối của số âm thì ta có tổng dương.

• Nếu số dương nhỏ hơn số đối của số âm thì ta có tổng âm.

* Ví dụ: Thực hiện phép tính:

a) 3,7 – 4,32;

b) –5,5 + 90,67;

c) 0,8 – 3,1651;

d) 0,77 – 5,3333;

e) –5,5 + 9,007;

g) 0,008 – 3,9999.

* Lời giải:

a) Trong phép tính: 3,7 – 4,32 có số dương là 3,7 nhỏ hơn số đối của số âm là 4,32.

Nên ta lấy số đối của số âm là 4,32 trừ đi số dương là 3,7 và thêm dấu trừ (–) trước kết quả.

Ta thực hiện: 3,7 – 4,32 = – (4,32 – 3,7) = – 0,62.

b) Trong phép tính –5,5 + 90,67 có số dương là 90,67 lớn hơn số đối của số âm là 5,5, ta lấy số dương là 90,67 trừ đi số đối của số âm là 5,5.

Ta thực hiện: –5,5 + 90,67 = 90,67 – 5,5 = 85,17.

c) Trong phép tính 0,8 – 3,1651 có số dương là 0,8 nhỏ hơn số đối của số âm là 3,1651.

Nên ta lấy số đối của số âm là 3,1651 trừ đi số dương là 0,8 và thêm dấu trừ (–) trước kết quả.

Ta thực hiện: 0,8 – 3,1651 = –(3,1651 – 0,8) = –2,3651.

d) Trong phép tính 0,77 – 5,3333 có số dương là 0,77 nhỏ hơn số đối của số âm là 5,3333.

Nên ta lấy số đối của số âm là 5,3333 trừ đi số dương là 0,77 và thêm dấu trừ (–) trước kết quả.

Ta thực hiện: 0,77 – 5,3333 = –(5,3333 – 0,77) = –4,5633.

e) –5,5 + 9,007;

Trong phép tính này: số dương là 9,007 lớn hơn số đối của số âm là 5,5, ta lấy số dương là 90,67 trừ đi số đối của số âm là 5,5.

Ta thực hiện: –5,5 + 9,007 = 9,007 – 5,5 = 3,507.

g) Trong phép tính 0,008 – 3,9999 có số dương là 0,008 nhỏ hơn số đối của số âm là 3,9999.

Nên ta lấy số đối của số âm là 3,9999 trừ đi số dương là 0,008 và thêm dấu trừ (–) trước kết quả.

Ta thực hiện: 0,008 – 3,9999 = –( 3,9999 – 0,008) = –3,9919.

2. Nhân, chia hai số thập phân dương

Muốn nhân hai số thập phân dương có nhiều chữ số thập phân, ta làm như sau:

- Bỏ dấu phẩy rồi nhân như nhân hai số tự nhiên.

- Đếm xem trong phần thập phân ở cả hai thừa số có tất cả bao nhiêu chữ số rồi dùng dấu phẩy tách ở tích ra bấy nhiêu chữ số từ phải sang trái.

* Ví dụ 1: Để nhân hai số thập phân 21,44 . 14,5

Ta nhân hai số nguyên 2 144 . 145 = 310 880.

Do phần thập phân của hai thừa số có tất cả 3 chữ số nên ta dung dấu phẩy tách ở tích ra 3 chữ số từ phải sang trái và có kết quả là:

21,44 . 14,5 = 310,880.

Muốn chia hai số thập phân dương có nhiều chữ số thập phân, ta làm như sau:

- Đếm xem có bao nhiêu chữ số ở phần thập phân của số chia thì chuyển dấu phẩy ở số bị chia sang bên phải bấy nhiêu chữ số.

* Chú ý: Khi chuyển dấu phẩy ở số bị chia snag phải mà không đủ chữ số, ta thấy thiếu bao nhiêu chữ số thì thêm vào đó bấy nhiêu chữ số 0.

- Bỏ dấu phẩy ở số chia rồi thực hiện phép chia như chia số thập phân cho số tự nhiên.

* Ví dụ 2: Thực hiện phép tính: 3,25 : 1,25.

* Lời giải:

Phép tính 3,25 : 1,25 là phép chia hai số thập phân dương, ta làm như sau:

- Phần thập phân của số chia và số bị chia đều có 2 chữ số. 

- Bỏ dấu thập phân ở số bị chia và số chia ta đươc số bị chia và số chia mới là 325 và 125.

- Ta thực hiện phép chia: 325 : 125 = 2,6.

Vậy 3,25 : 1,25 = 325 : 125 = 2,6.

* Ví dụ 3: Thực hiện các phép tính sau:

a) 20,24 . 0,125;

b) 6,24 : 0,125;

c) 2,40 . 0,875;

d) 12,75 : 2,125.

* Lời giải:

a) Phép tính 20,24 . 0,125 là phép nhân hai số thập phân dương, ta làm như sau:

- Bỏ dấu phẩy ở các số thập phân rồi thực hiện phép nhân hai số tự nhiên.

Ta tính được: 2024 . 125 = 253 000.

- Phần thập phân ở cả hai thừa số có tất cả 5 chữ số.

- Dùng dấu phẩy tách ở tích ra 5 chữ số từ phải sang trái, ta được 2,53.

Vậy 20,24 . 0,125 = 2,53.

b) Phép tính 6,24 : 0,125 là phép chia hai số thập phân dương, ta làm như sau:

- Phần thập phân của số chia và số bị chia lần lượt có 3 chữ số và 2 chữ số. 

- Chuyển dấu phẩy ở số bị chia sang bên phải 3 chữ số (ở đây số bị chia còn thiếu 1 chữ số để chuyển nên ta thêm 1 chữ số 0 vào bên phải số bị chia), ta được số bị chia mới là 6240.

- Bỏ dấu phẩy ở số chia, ta được số chia mới là: 125.

- Ta thực hiện phép chia: 6240 : 125 = 49,92.

Vậy 6,24 : 0,125 = 6240 : 125 = 49,92.

c) Ta có: 2,40 . 0,875 = 2,4 . 0,875.

Phép tính 2,4 . 0,875 là phép nhân hai số thập phân dương, ta làm như sau:

- Bỏ dấu phẩy ở các số thập phân rồi thực hiện phép nhân hai số tự nhiên.

Ta tính được: 24 . 875 = 21 000.

- Phần thập phân ở cả hai thừa số có tất cả 4 chữ số.

- Dùng dấu phẩy tách ở tích ra 4 chữ số từ phải sang trái, ta được 2,1.

Vậy 2,40. 0,875 = 2,1. 

d) Phép tính 12,75 : 2,125 là phép chia hai số thập phân dương, ta làm như sau:

- Phần thập phân của số chia và số bị chia lần lượt có 3 chữ số và 2 chữ số. 

- Chuyển dấu phẩy ở số bị chia sang bên phải 3 chữ số (ở đây số bị chia còn thiếu 1 chữ số để chuyển nên ta thêm 1 chữ số 0 vào bên phải số bị chia), ta được số bị chia mới là 12 750.

- Bỏ dấu phẩy ở số chia, ta được số chia mới là: 2 125.

- Ta thực hiện phép chia: 12 750 : 2 125 = 6.

Vậy 12,75 : 2,125 = 12 750 : 2 125 = 6.

3. Nhân, chia hai số thập phân có dấu bất kì

Để thực hiện các phép tính nhân và chia số thập phân, ta áp dụng các quy tắc về dấu như đối với số nguyên để đưa về bài toán nhân hoặc chia hai số thập phân dương với lưu ý sau:

- Tích và thương của hai số thập phân cùng dấu luôn là một số dương.

- Tích và thương của hai số thập phân khác dấu luôn là một số âm.

- Khi nhân hoặc chia hai số thập phân cùng âm, ta nhân hoặc chia hai số đối của chúng.

- Khi nhân hoặc chia hai số thập phân khác dấu, ta chỉ thực hiện phép nhân hoặc phép chia giữa số dương và số đối của số âm rồi thêm dấu trừ (−) trước kết quả nhận được.

* Ví dụ: Thực hiện các phép tính sau:

a) 45,23 . (−12,5);

b) (−74,175) : (−3,45).

* Lời giải:

a) Phép tính 45,23 . (−12,5) là phép nhân hai số thập phân khác dấu.

Ta lấy số thập phân dương là 45,23 nhân với số đối của số thập phân âm là 12,5 rồi thêm dấu trừ trước kết quả, ta được:

45,23 . (−12,5) = −(45,23 . 12,5) = −565,375.

Vậy 45,23 . (−12,5) = −565,375.

b) Phép tính (−74,175) : (−3,45) là phép chia hai số thập phân cùng âm, ta chia hai số đối của chúng, ta được:

(−74,175) : (−3,45) = 74,175 : 3,45 = 21,5.

Vậy (−74,175) : (−3,45) = 21,5.

4. Tính chất của các phép tính với số thập phân

Phép tính với số thập phân âm có đầy đủ các tính chất giống như các phép tính với số nguyên và phân số:

- Tính chất giao hoán và tính chất kết hợp của phép cộng.

- Tính chất giao hoán và tính chất kết hợp của phép nhân.

- Tính chất phân phối của phép nhân đối với phép cộng.

* Ví dụ:

- Tính chất giao hoán và tính chất kết hợp của phép cộng.

31,35 + 78,12 = 78,12 + 31,35;

(28,34 + 22,45) + 224,4 = 28,34 + (22,45 + 224,4).

- Tính chất giao hoán và tính chất kết hợp của phép nhân.

(−45,6) . 4,5 = 4,5 . (−45,6);

[(−45,6) . 4,5] . (−21,15) = (−45,6) . [4,5 . (−21,15)].

- Tính chất phân phối của phép nhân đối với phép cộng.

0,25 . (1,25 + 3,4) = 0,25 . 1,25 + 0,25 . 3,4.

* Quy tắc dấu ngoặc:

- Khi bỏ dấu ngoặc có dấu (+) đứng trước thì dấu các số hạng trong ngoặc vẫn giữ nguyên; khi bỏ dấu ngoặc có dấu (−) đứng trước, ta phải đổi dấu tất cả các số hạng trong dấu ngoặc.

- Khi đưa nhiều số hạng vào trong dấu ngoặc và để dấu (−) đứng trước thì ta phải đổi dấu của tất cả các số hạng đó.

* Ví dụ: Tính bằng cách hợp lí:

a) 14,7 + (−8, 4) + (−4,7);

b) (−4,2) . 5,1 + 5,1 . (−5,8);

c) (−0,4 : 0,04 + 10) . (1,2 . 20 + 12 . 8).

* Lời giải:

a) 14,7 + (−8, 4) + (−4,7) 

= 14,7 + (− 4,7) + (−8,4) (Tính chất giao hoán)

= 14,7 − 4,7 + (−8,4)

= 10 − 8,4 

= 1,6.

b) (−4,2) . 5,1 + 5,1 . (−5,8) 

= 5,1 . [(−4,2) + (−5,8)] (Tính chất phân phối giữa phép nhân đối với phép cộng)

= 5,1 . (−10) 

= −(5,1 . 10)

= −51.

c) Nhận thấy: Trong tích (−0,4 : 0,04 + 10) . (1,2 . 20 + 12 . 8) có thừa số (−0,4 : 0,04 + 10) = (−10 + 10) = 0.

Mà bất kỳ số nào nhân với 0 cũng bằng 0 nên ta không cần phải thực hiện phép tính thừa số còn lại.

Ta có:(−0,4 : 0,04 + 10) . (1,2 . 20 + 12 . 8)

= (−10 + 10) . (1,2 . 20 + 12 . 8)  

= 0 . (1,2 . 20 + 12 . 8) = 0.

Với nội dung bài viết về: Các phép tính cộng, trừ, nhân, chia số thập phân, quy tắc dấu ngoặc? Toán 6 chân trời Tập 2 chương 6 Bài 2 chi tiết, dễ hiểu ở trên. Hay Học Hỏi hy vọng giúp các em nắm vững nội dung lý thuyết Toán 6 tập 2 Chân trời sáng tạo. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại nhận xét dưới bài viết để được ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.

Đánh giá & nhận xét

captcha
Tin liên quan