Hợp kim là gì? Tính chất và ứng dụng của hợp kim? Hợp kim quan trọng của sắt và nhôm? Hóa 12 bài 21 KNTT

08:16:5518/10/2024

Lý thuyết Hóa 12 bài 21: Hợp kim, sách Kết nối tri thức, giúp các em biết Khái niệm và ứng dụng của hợp kim, Tính chất của hợp kim và một số hợp kim quan trọng của sắt và nhôm.

Vậy Khái niệm Hợp kim là gì? Tính chất và ứng dụng của hợp kim ra sao? Hợp kim quan trọng của sắt và nhôm là loại nào? được hayhochoi trình bày ngắn gọn, dễ hiểu trong bài viết này.

I. KHÁI NIỆM VÀ ỨNG DỤNG CỦA HỢP KIM

1. Khái niệm hợp kim

- Hợp kim là vật liệu kim loại chứa một kim loại cơ bản và một số kim loại khác hoặc phi kim.

Ví dụ:

+ Thép, gang là hợp kim của Fe với C và một số nguyên tố khác (Mn, Si,...);

+ Duralumin là hợp kim của Al với Cu, Mn, Mg, Si.

- Hợp kim thường được điều chế bằng cách nung chảy các thành phần rồi để nguội.

2. Ứng dụng của hợp kim

Từ thời cổ đại, con người đã biết sử dụng hợp kim để làm công cụ lao động và chế tạo vũ khí. Ngày nay, hợp kim được sử dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất.

+ Trong lĩnh vực chế tạo máy bay, ô tô,... sử dụng những hợp kim nhẹ, bền, chịu nhiệt,...

+ Ngành công nghiệp hoá chất sử dụng những hợp kim có tính bền hoá học và cơ học cao,...

+ Các đồ gia dụng được làm từ những hợp kim không gỉ, không độc hại,...

II. TÍNH CHẤT CỦA HỢP KIM

Tính chất của hợp kim phụ thuộc vào thành phần các đơn chất tham gia cấu tạo mạng tinh thể của hợp kim. Nhìn chung, hợp kim có nhiều tính chất hoá học tương tự các kim loại thành phần, nhưng tính chất vật lí thường khác nhau nhiều.

- Hợp kim có những tính chất vật lí chung như có ánh kim, dẫn điện, dẫn nhiệt,... Tuy nhiên, tính dẫn điện và dẫn nhiệt kém hơn kim loại cơ bản trong hợp kim.

Ví dụ: đồng dẫn điện tốt hơn hợp kim đồng.

- Độ cứng của hợp kim thường lớn hơn độ cứng của kim loại thành phần trong hợp kim và độ dẻo thường kém hơn.

Ví dụ: hợp kim Au - Cu (khoảng 8% - 12% Cu) cứng hơn vàng, dùng đúc tiền, làm đồ trang sức, ngòi bút máy.

- Nhiệt độ nóng chảy của hợp kim tuỳ thuộc vào thành phần và cấu tạo tinh thể của hợp kim, nhưng khác so với kim loại thành phần trong hợp kim.

Ví dụ: gang là hợp kim Fe - C có nhiệt độ nóng chảy thấp hơn nhiệt độ nóng chảy của sắt nguyên chất.

III. MỘT SỐ HỢP KIM QUAN TRỌNG CỦA SẮT VÀ NHÔM

1. Hợp kim của sắt

a) Gang

Gang là hợp kim chứa khoảng 95% sắt, 2% đến 4% carbon và một số nguyên tố khác như manganese, silicon, phosphorus, sulfur,... Gang cứng hơn nhưng cũng giòn hơn sắt. Gang được sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất thép, chế tạo dụng cụ đun nấu, các chi tiết máy,...

b) Thép

- Thép là hợp kim của sắt chứa ít hơn 2,0% carbon và một số nguyên tố như chromium, manganese, silicon,... tạo cho thép có tính cứng, tính chịu nhiệt và các tính chất quý khác. Thép là vật liệu chủ yếu trong ngành chế tạo máy, xây dựng và nhiều lĩnh vực khác của đời sống và sản xuất.

- Các tính chất của thép có thể được điều chỉnh để phù hợp với mục đích sử dụng, thường bằng cách thêm các kim loại như titanium, vanadium, manganese,... vào hợp kim.

Ví dụ: thép không gỉ là hợp kim của sắt có chứa ít nhất 10% chromium theo khối lượng, ngoài ra còn có một lượng nhỏ carbon. Thép không gỉ có khả năng chống ăn mòn cao hơn nhiều so với sắt nguyên chất, thường được sử dụng làm dụng cụ y tế,...

Hợp kim của sắt như thép chống gỉ

2. Hợp kim của nhôm

Duralumin là hợp kim chứa trên 90% nhôm, khoảng 4% đồng và một số nguyên tố khác như manganese, magnesium, silicon,...

- Duralumin nhẹ, cứng và bền, được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay.

 

Với nội dung bài viết về: Hợp kim là gì? Tính chất và ứng dụng của hợp kim? Hợp kim quan trọng của sắt và nhôm? Hóa 12 bài 21 KNTT chi tiết, dễ hiểu ở trên. Hay Học Hỏi hy vọng giúp các em nắm vững nội dung Lý thuyết Hoá 12 KNTT. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại nhận xét dưới bài viết để được ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.

> Xem thêm Lý thuyết Hóa 12 Kết nối tri thức

Lý thuyết Bài 18: Cấu tạo và liên kết trong tinh thể kim loại

Lý thuyết Bài 19: Tính chất vật lí và tính chất hoá học của kim loại

Lý thuyết Bài 20: Kim loại trong tự nhiên và phương pháp tách kim loại

Lý thuyết Bài 21: Hợp kim

Lý thuyết Bài 22: Sự ăn mòn kim loại

Lý thuyết Bài 23: Ôn tập chương 6

Đánh giá & nhận xét

captcha
Tin liên quan