Các dạng ăn mòn kim loại và các phương pháp chống ăn mòn kim loại? Hóa 12 bài 22 KNTT

08:50:2218/10/2024

Lý thuyết Hóa 12 bài 22: Sự ăn mòn kim loại, sách Kết nối tri thức, giúp các em biết Các dạng ăn mòn kim loại và các phương pháp chống ăn mòn kim loại?

Vậy Khái niệm ăn mòn kim loại là gì? Có các dạng ăn mòn kim loại nào? các phương pháp chống ăn mòn kim loại ra sao? được hayhochoi trình bày ngắn gọn, dễ hiểu trong bài viết này.

I. ĂN MÒN KIM LOẠI

1. Khái niệm ăn mòn kim loại

Ăn mòn kim loại là sự phá huỷ kim loại hoặc hợp kim dưới tác dụng của các chất trong môi trường, trong đó kim loại bị oxi hoá.

Ví dụ:

- Thép để lâu ngoài không khí ẩm thường tạo thành gỉ sắt có màu nâu đỏ;

- Vật bằng đồng để lâu trong tự nhiên có thể tạo thành gỉ đồng màu xanh.

Sự ăn mòn kim loại

2. Các dạng ăn mòn kim loại trong tự nhiên

Tuỳ theo cơ chế của sự ăn mòn, người ta chia ăn mòn kim loại thành hai loại: ăn mòn hoá học và ăn mòn điện hoá.

a) Ăn mòn hoá học

Khi để kim loại trong không khí, có thể xảy ra hiện tượng ăn mòn hoá học. Nguyên nhân của hiện tượng trên là do xảy ra phản ứng oxi hoá - khử trực tiếp giữa kim loại với các chất oxi hoá có trong môi trường.

Ví dụ: Bộ phận bu lông và đai ốc bị ăn mòn bởi khí oxygen

Ăn mòn hóa học

3Fe(s) + 2O2(g)   Fe3O4(s)

b) Ăn mòn điện hoá

- Sự ăn mòn điện hoá kim loại xảy ra khi có sự tạo thành pin điện.

Ví dụ: Sự ăn mòn điện hoá kim loại trong không khí ẩm.

Trong không khí ẩm, trên bề mặt của gang thép luôn có một lớp nước mỏng đã hoà tan khí oxygen và carbon dioxide tạo thành dung dịch chất điện li. Sắt và các thành phần khác (chủ yếu là carbon) cùng tiếp xúc với dung dịch đó, tạo nên vô số pin điện hoá rất nhỏ mà anode là sắt và cathode là carbon.

Ăn mòn điện hóa

Ở anode, xảy ra quá trình oxi hoá:

Fe(s) →  Fe2+(aq) + 2e

Ở cathode, xảy ra quá trình khử:

½O2(g)  +  H2O(l)  + 2e → 2OH- (aq)

Fe2+ tiếp tục bị oxi hoá bởi oxygen không khí, tạo thành gỉ sắt có thành phần chính là Fe2O3.nH2O.

- Điều kiện của quá trình ăn mòn điện hoá: Hai kim loại khác nhau hoặc một kim loại và một phi kim; Chúng tiếp xúc với nhau trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua dây dẫn điện và cùng tiếp xúc với một dung dịch chất điện li.

II. CHỐNG ĂN MÒN KIM LOẠI

Có hai phương pháp phổ biến bảo vệ kim loại khỏi bị ăn mòn là phương pháp điện hoá và phương pháp phủ bề mặt.

1. Phương pháp điện hoá

 Nguyên tắc bảo vệ kim loại khỏi bị ăn mòn bằng phương pháp điện hoá là gắn lên kim loại cần bảo vệ một kim loại khác hoạt động hoá học mạnh hơn. Khi đó, kim loại hoạt động hoá học mạnh hơn bị ăn mòn.

Ví dụ: Để bảo vệ tàu biển làm bằng thép, người ta gắn các tấm kẽm lên vỏ tàu (phần chìm dưới nước).

Chống ăn mòn bằng phương pháp điện hóa

2. Phương pháp phủ bề mặt

Phương pháp phủ bề mặt ngăn kim loại tiếp xúc trực tiếp với môi trường bằng cách:

- Phủ kim loại cần bảo vệ bằng các kim loại khác không bị gỉ như Au, Sn, Zn.

Ví dụ: Vỏ đồng hồ mạ vàng; tráng thiếc lên lá thép (sắt tây); tráng kẽm lên lá thép (tôn).

- Phủ kim loại cần bảo vệ bằng các hợp chất vô cơ hoặc hữu cơ như sơn, dầu, mỡ,...

Chống ăn mòn bằng phương pháp phủ bề mặt

Ví dụ: Các đồ vật bằng sắt thường được sơn hoặc tra dầu, mỡ.

Với nội dung bài viết về: Các dạng ăn mòn kim loại và các phương pháp chống ăn mòn kim loại? Hóa 12 bài 22 KNTT chi tiết, dễ hiểu ở trên. Hay Học Hỏi hy vọng giúp các em nắm vững nội dung Lý thuyết Hoá 12 KNTT. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại nhận xét dưới bài viết để được ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.

> Xem thêm Lý thuyết Hóa 12 Kết nối tri thức

Lý thuyết Bài 18: Cấu tạo và liên kết trong tinh thể kim loại

Lý thuyết Bài 19: Tính chất vật lí và tính chất hoá học của kim loại

Lý thuyết Bài 20: Kim loại trong tự nhiên và phương pháp tách kim loại

Lý thuyết Bài 21: Hợp kim

Lý thuyết Bài 22: Sự ăn mòn kim loại

Lý thuyết Bài 23: Ôn tập chương 6

Đánh giá & nhận xét

captcha
Tin liên quan