Hotline 0939 629 809

Câu hỏi và Bài tập Sinh 11 trang 14: Giải bài 1, 2, 3, 4 trang 14 SGK Sinh học 11 bài học 2

09:20:2716/06/2022

Với bài viết về Vận chuyển các chất trong cây, các em đã biết được: Dòng mạch gỗ, dòng mạch rây, cấu tạo của mạch gỗ, mạch rây; thành phần của dịch mạch gỗ, dịch mạch rây; và động lực đẩy của dòng mạch gỗ, dòng mạch rây.

Phần câu hỏi và bài tập của bài Sự hấp thụ nước và muối khoáng ở rễ trang 14 SGK Sinh học 11 dưới đây giúp em hệ thống lại các kiến thức đã học, ghi nhớ tốt hơn và nắm vững kiến thức này.

Dưới đây là nội dung giải bài 1, 2, 3, 4 trang 14 SGK Sinh 11 và trả lời các câu hỏi in nghiêng giữa bài.

I. Hướng dẫn trả lời câu hỏi (giữa bài) Sinh 11 bài học 2

* Câu hỏi Sinh 11 Bài 2 trang 11: Qua những đêm ẩm ướt, vào buổi sáng thường có những giọt nước xuất hiện trên đầu tận cùng của lá (đặc biệt, thường thấy ở lá của cây một lá mầm), hiện tượng đó gọi là sự ứ giọt (hình ảnh 2.4). Giải thích nguyên nhân của hiện tượng ứ giọt.

Ứ giọt ở cây lúa

Ứ giọt ở cây họ lúa: a) Ứ giọt ở đỉnh lá lúa; b) Thủy khổng ở lá

* Hướng dẫn:

Nguyên nhân của hiện tượng ứ giọt:

Ban đêm cây hút nhiều nước, nước được vận chuyển theo mạch gỗ lên trên lá và thoát ra ngoài nhưng qua những đêm ẩm ướt, độ ẩm của không khí tương đối cao làm bão hòa hơi nước → không thể hình thành hơi nước để thoát vào không khí như ban ngày được.

Do đó có hiện tượng nước ứ đọng ở tận đầu cuối của lá, nơi có khí khổng. Hơn nữa, các phân tử nước liên kết với nhau tạo nên sức căng bề mặt → hình thành nên các giọt nước treo ở đầu tận cùng của lá.

II. Giải bài 1, 2, 3, 4 trang 14 SGK Sinh học 11 bài học 2

* Bài 1 trang 14 SGK Sinh học 11: Chứng minh cấu tạo của mạch gỗ thích nghi với chức năng vận chuyển nước và các ion khoáng từ rễ lên lá.

* Lời giải:

Cấu tạo của mạch gỗ thích nghi với chức năng vận chuyển nước và ion khoáng từ rễ lên lá:

     - Mạch gỗ được cấu tạo bởi 2 loại tế bào là quản bào và mạch ống. Mạch gỗ vận chuyển dịch mạch gỗ (nước, ion khoáng) từ rễ lên thân, lá.

     - Tế bào có cấu tạo dạng ống, vách tế bào được linhin (lignin) hóa: tế bào bền chắc, chịu nước, các phân tử nước dễ dàng bám lên thành mạch để di chuyển lên trên.

  - Khi chuyên hóa chức năng dẫn nước và ion khoáng, tế bào mạch gỗ là các tế bào chết: tăng tốc độ vận chuyển nước do không có các thành phần tế bào (màng sinh chất, chất nguyên sinh, không bào,…) cản trở đường đi của dịch mạch gỗ

     - Các tế bào mạch gỗ xếp sát nhau, tế bào có các lỗ bên: thuận tiện vận chuyển dịch mạch gỗ từ tế bào này sang tế bào khác theo chiều ngang, hạn chế sự ngừng, tắc trong con đường vận chuyển và nâng cao hiệu suất vận chuyển.

     - Các tế bào cùng loại nối với nhau theo kiểu đầu của tế bào này gắn với đầu của tế bào kia thành những ống dài từ rễ lên lá: tạo sự tiên kết giữa các tế bào, giữa các phân tử trong dòng dịch với nhau, nâng cao hiệu suất vận chuyển.

* Bài 2 trang 14 SGK Sinh học 11: Động lực nào giúp dòng nước và các ion khoáng di chuyển được từ rễ lên lá ở những cây gỗ cao lớn hàng chục mét?

* Lời giải:

Các động lực giúp cho dòng nước và các ion khoáng di chuyển được từ rễ lên lá ở những cây gỗ cao lớn là:

- Áp suất rễ (bơm đẩy đầu dưới): là lực đẩy nước và ion khoáng từ mạch gỗ của rễ lên mạch gỗ của thân.

- Sự thoát hơi nước ở lá (bơm hút đầu trên): do hơi nước thoát vào không khí, tế bào khí khổng bị mất nước nên hút nước từ tế bào nhu mô bên cạnh. Tế bào nhu mô lại hút nước từ mạch gỗ ở lá, cứ như vậy làm thành lực hút từ lá đến rễ như bơm hút đầu trên kéo nước lên.

- Lực liên kết giữa các phân tử nước với nhau và với thành mạch gỗ: các phân tử nước có tính phân cực nên chúng "kéo theo" nhau và các phân tử nước cũng liên kết với vách mạch gỗ làm thành cột nước liên tục từ rễ đến lá cây.

* Bài 3 trang 14 SGK Sinh học 11: Nếu một ống mạch gỗ bị tắc, dòng nhựa nguyên trong ống đó có thế tiếp tục đi lên được không? Vì sao?

* Lời giải:

Nếu một ống mạch gỗ bị tắc, dòng nhựa nguyên trong ống vẫn tiếp tục đi lên được. Vì các tế bào mạch gỗ xếp sít nhau theo cách: lỗ bên của tế bào này sít khớp với lỗ bên của tế bào bên cạnh. Do vậy, nếu một ống mạch gỗ bị tắc thì dòng nhựa nguyên đi qua lỗ bên sang ống bên cạnh, đảm bảo cho dòng vận chuyển được liên tục.

* Bài 4 trang 14 SGK Sinh học 11: Động lực nào đẩy dòng mạch rây đi từ lá đến rễ và các cơ quan khác?

* Lời giải:

- Động lực đẩy dòng mạch rây từ lá đến rễ và các cơ quan khác là sự chênh lệch áp suất thẩm thấu giữa cơ quan nguồn (tế bào sản xuất ở lá) với cơ quan chứa (tế bào nhận ở rễ, thân, củ, quả,…)

- Mạch rây nối các tế bào cơ quan nguồn với tế bào cơ quan chứa làm cho dòng mạch rây di chuyển từ nơi có áp suất thẩm thấu cao (cơ quan nguồn) đến nơi có áp suất thẩm thấu thấp hơn (cơ quan chứa)

Hy vọng với bài viết hướng dẫn trả lời các Câu hỏi và Giải bài 1, 2, 3, 4 trang 14 SGK Sinh 11 giúp các em nắm vững kiến thức bài Vận chuyển các chất trong cây. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại nhận xét dưới bài viết để Hay Học Hỏi ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.

Đánh giá & nhận xét

captcha
Tin liên quan