Hướng dẫn Giải Sinh 11 trang 40 Chân trời sáng tạo SGK bài 5: Thực hành: Quan sát lục lạp và tách chiết sắc tố, chi tiết dễ hiểu để học sinh giải bài tập Sinh học 11 SGK chân trời sáng tạo tốt hơn, giỏi hơn.
Báo cáo kết quả thực hành trang 40 Sinh học 11: Viết và trình bày báo cáo theo mẫu:
BÁO CÁO: KẾT QUẢ THỰC HÀNH
QUAN SÁT LỤC LẠP VÀ TÁCH CHIẾT SẮC TỐ;
CHỨNG MINH SỰ HÌNH THÀNH SẢN PHẨM QUANG HỢP
Thứ … ngày … tháng … năm …
Nhóm:… Lớp:… Họ và tên thành viên:…
1. Mục đích thực hiện thí nghiệm
(1) Quan sát lục lạp trong tế bào thực vật.
(2), (3) Nhận biết và tách chiết các sắc tố (chlorophyll a, b; carotene và xanthophyll) trong lá cây.
(4) Xác định các sản phẩm (tinh bột, thải O2) tạo thành trong quá trình quang hợp.
2. Kết quả và giải thích
a) Tại sao phải dùng biểu bì mặt dưới của lá để quan sát lục lạp? Vẽ lại hình dạng lục lạp đã quan sát được.
- Phải dùng biểu bì mặt dưới của lá để quan sát lục lạp vì mặt trên của lá thường có lớp cutin dày, nên việc quan sát các tế bào chứa lục lạp trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, lớp biểu bì mặt dưới của lá sẽ giúp ta quan sát các các tế bào chứa lục lạp dễ dàng hơn. Đặc biệt, ở lớp biểu bì mặt dưới, lục lạp, khí khổng,… có số lượng nhiều và không xếp sát nhau như ở mặt trên của lá.
- Hình dạng của lục lạp đã quan sát được: (hình ảnh)
b) Màu sắc của dịch lọc ở hai ống nghiệm trong thí nghiệm tách chiết sắc tố khác nhau như thế nào? Vì sao có sự khác nhau đó?
- Ở thí nghiệm nhận biết và tách chiết diệp lục, ống đối chứng (chứa nước cất) có màu xanh rất nhạt, còn ống thí nghiệm (có chứa cồn) có màu xanh lục đậm.
- Ở thí nghiệm nhận biết và tách chiết carotenoid, ống đối chứng (chứa nước cất) có màu đỏ/cam rất nhạt hoặc không có màu, còn ống thí nghiệm (có chứa cồn) có màu đỏ/cam đậm.
- Sự khác nhau đó là do: Sắc tố diệp lục và carotenoid là chất hữu cơ không tan trong nước nhưng tan trong một số dung môi hữu cơ như cồn, acetone,… Do đó, ở ống đối chứng, dịch lọc không có màu hoặc có màu rất nhạt do (do khi tế bào vỡ thì một ít sắc tố được giải phóng). Trong ống thí nghiệm, dịch lọc có màu đậm do sắc tố tan trong cồn.
c) Màu sắc của lá thay đổi như thế nào sau khi ngâm vào dung dịch KI? Tại sao cần đặt cây ở chỗ tối từ 2 – 3 ngày trước khi tiến hành thí nghiệm?
- Khi ngâm vào dung dịch KI, màu sắc lá ở phần không bịt băng giấy đen chuyển sang màu xanh đen do ở vị trí đó có tinh bột, còn phần lá bịt băng giấy màu đen không có màu xanh đen mà chỉ có màu của KI.
- Cần đặt cây ở chỗ tối từ 2 – 3 ngày trước khi tiến hành thí nghiệm để khử hết tinh bột đã được tích lũy trong lá cây trước đó, tạo điều kiện cho thí nghiệm có kết quả chính xác.
d) Hiện tượng gì đã xảy ra đối với que diêm sau khi đưa vào miệng ống nghiệm? Giải thích.
- Khi đưa que diêm còn tàn lửa vào miệng ống nghiệm sẽ thấy các hiện tượng khác nhau:
+ Ống nghiệm ở cốc 1: que diêm tiếp tục cháy.
+ Ống nghiệm ở cốc 2: que diêm bị tắt.
- Giải thích: Khi có ánh sáng, cành rong thực hiện quang hợp tạo ra khí O2. Khí O2 là khí duy trì sự cháy. Nên khi đưa que diêm còn tàn lửa vào miệng ống nghiệm ở cốc 1, que diêm sẽ tiếp tục cháy. Ngược lại, cốc 2 được đặt trong tối nên không xảy ra quá trình quang hợp dẫn đến trong ống nghiệm ở cốc 2 không có O2 để duy trì sự cháy của que diêm.
3. Kết luận
(1) Trong tế bào thực vật có chứa lục lạp.
(2), (3) Sắc tố quang hợp không tan trong nước nhưng tan trong dung môi hữu cơ.
(4) Sản phẩm được tạo thành trong quá trình quang hợp là tinh bột và oxygen.
Với nội dung Giải Sinh 11 trang 40 Chân trời sáng tạo chi tiết, dễ hiểu ở trên. Hay Học Hỏi hy vọng giúp các em nắm vững phương pháp giải Sinh học 11 Chân trời sáng tạo. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại nhận xét dưới bài viết để được ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.