Soạn bài Tri thức Ngữ Văn trang 40 Ngữ văn lớp 12 tập 1 Kết nối tri thức

13:45:0702/08/2024

Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 40, 41 Ngữ văn lớp 12 tập 1 Kết nối tri thức, bài 2: Những thế giới thơ, đầy đủ mà ngắn gọn, nhằm gợi trả lời các câu hỏi qua đó giúp các em dễ dàng soạn văn 12 được tốt hơn.

1. Biểu tượng

- Biểu tượng là hình ảnh mang tính ngụ ý, vượt lên chức năng miêu tả, tạo hình đơn giản; chứa đựng nhiều tầng nghĩa phong phú; gợi cảm nhận, suy tư về những điều mang tính phố quát.

- Biểu tượng thường được hình thành trong khoảng thời gian dài nên ý nghĩa không ngừng được bổ sung và có thể “sống” bên ngoài văn bản. Ngoài khả năng khái quát bản chất của một hiện tượng, biểu tượng còn thể hiện được những quan niệm, triết lí sâu sắc về con người, cuộc sống. Do đó, quá trình hình thành biểu tượng luôn chịu sự chi phối của các yếu tố tâm lí, văn hoa,... của dân tộc và thời đại. Trong sáng tác văn học, bên cạnh việc vận dụng những biểu tượng sẵn có, các nhà văn, nhà thơ thường sáng tạo nên những biểu tượng mới mang đậm dấu ấn cá nhân.

2. Yếu tố siêu thực trong thơ

- Yếu tố siêu thực trong thơ biểu hiện trước hết qua những hình ảnh có vẻ kì lạ, gắn kết với nhau theo một logic khác thường, phần nào gây cho độc giả cảm giác khó hiểu. Tuy nhiên, từ phía người sáng tác, sự hiện diện của những hình ảnh ấy hoàn toàn mang tính tự nhiên vì chúng gắn với việc “cất lời” của tiềm thức, vô thức. Để khám phá được một hiện thực khác ẩn đằng sau những hiện tượng thông thường dễ thấy, các nhà thơ siêu thực theo đuổi “lối viết tự động”, để ngòi bút “buông” theo sự dẫn dắt của tiềm thức, vô thức, từ đó, xây dựng một thế giới thơ có sự pha trộn giữa chiêm bao và tỉnh thức, giữa ảo giác và thực tế. Yếu tố siêu thực đã xuất hiện thấp thoáng trong một số tác phẩm thơ thời trung đại hoặc thơ dân gian, nhưng chỉ trở thành hiện tượng thẩm mĩ đặc thù trong sáng tác của các nhà thơ theo chủ nghĩa siêu thực hoặc chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa này ở thời hiện đại.

3. Phong cách cổ điển

- Phong cách cổ điển là loại phong cách sáng tác được hình thành từ thời trung đại, chịu sự chi phối của một quan niệm về thế giới có tính đặc thù. Theo phong cách này, cuộc sống con người và vũ trụ được hình dung như một mô hình ổn định, có tôn ti trật tự chặt chẽ, vận động theo quy luật tuần hoàn,... Từ quan niệm về thế giới như vậy, phong cách cổ điển định hình với các đặc trưng cơ bản: nghiêng về thể hiện những đề tài cao nhã; có cảm hứng đặc biệt với cái vĩnh hằng, bất biến; luôn hướng về những mẫu hình lí tưởng, tôn trọng tính quy phạm của cách tổ chức các yếu tố nghệ thuật thành một cấu trúc hoàn mĩ;...

4. Phong cách lãng mạn

- Xét theo nghĩa rộng, phong cách lãng mạn thường được đặt trong tương quan sánh với phong cách hiện thực, là hai phong cách nghệ thuật đã từng xuất hiện trong sáng tác văn học từ thời cổ đại. Xét theo nghĩa hẹp, phong cách lãng mạn gắn với sự xuất hiện của chủ nghĩa lãng mạn, một trào lưu văn học - nghệ thuật hình thành ở phương Tây vào khoảng nửa cuối thế kỉ XVIII và nửa đầu thế kỉ XIX. Tùy theo cảm hứng, thái độ của người cầm bút, chủ nghĩa lãng mạn được chia thành hai khuynh hướng: khuynh hướng bi quan (hoài nghi thực tại, hoài niệm quá khứ) và khuynh hướng lạc quan (tin tưởng, hướng tới một thế giới tốt đẹp, lí tưởng).

- Trong sáng tác văn học, phong cách lãng mạn có các đặc điểm cơ bản: khẳng định cái cao cả, phi thường và phủ định thực tại tầm thường, tù túng; đề cao cá tính sáng tạo, trí tưởng tượng, sự phóng khoáng; chú trọng thế giới nội tâm với những cảm xúc mạnh mẽ, khoáng đạt, tinh tế và ưa dùng các yếu tố tương phản.

Với nội dung bài soạn Tri thức ngữ văn trang 40, 41 Ngữ văn lớp 12 Kết nối tri thức tập 1 chi tiết, dễ hiểu ở trên. Hay Học Hỏi hy vọng giúp các em nắm vững kiến thức Ngữ Văn 12 tập 1 Kết nối tri thức. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại nhận xét dưới bài viết để được ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.

 Xem thêm các bài Soạn Văn 12 Kết nối tri thức khác

Tri thức ngữ văn trang 40, 41

Cảm hoài trang 41, 42, 43, 44

Tây Tiến ngắn trang 44, 45, 46, 47

Đàn ghi ta của Lor-ca trang 48, 49, 50

Thực hành tiếng Việt trang 51

Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ trang 52 - 58

Trình bày kết quả so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ trang 58, 59

Củng cố, mở rộng trang 59

Thực hành đọc: Bài thơ số 28 trang 60, 61

Đánh giá & nhận xét

captcha
Tin liên quan