Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 92 Ngữ văn lớp 12 tập 1 Kết nối tri thức

09:59:0009/08/2024

Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 92, 93 Ngữ văn lớp 12 tập 1 Kết nối tri thức, bài 4: Yếu tố kì ảo trong truyện kể, nhằm gợi trả lời các câu hỏi qua đó giúp các em dễ dàng soạn văn 12 được tốt hơn.

1. Truyện truyền kì

- Truyện truyền kì là thể loại văn xuôi tự sự có nguồn gốc từ văn học Trung Quốc, được tiếp nhận và phát triển ở các nước thuộc khu vực chịu ảnh hưởng văn hóa Hán. Thuật ngữ truyền kì xuất hiện vào cuối đời Đường, dùng để định danh một loại truyện mới, được phát triển từ loại truyện chí quái, chí dị vốn hình thành trước đó.

- Truyện truyền kì phát triển trên nền tảng thần thoại, truyền thuyết,... của văn học dân gian và những tín ngưỡng văn hóa trong đời sống tinh thần của các dân tộc. Trong truyện truyền kì, yếu tố kì ảo được sử dụng như một phương thức nghệ thuật có tính đặc thù nhằm thể hiện các vấn đề của thực tại.

2. Yếu tố kì ảo trong truyện truyền kì

Trong truyện truyền kì, yếu tố kì ảo hiện diện ở mọi thành phần cấu tạo chủ yếu của tác phẩm như nhân vật, sự việc và cả ở thủ pháp nghệ thuật.

Nhân vật kì ảo: Nhân vật có thể có năng lực siêu nhiên, xuất thân kì lạ, diện mạo khác thường, hành tung biến hoá,... Trong truyện truyền kì, nhân vật kì ảo và nhân vật phàm trần đối thoại, tương tác,... với nhau một cách tự nhiên, không có sự cách biệt. Thân phận (khác thường, lạ lùng) của con người cũng trở thành một đối tượng phản ánh đặc biệt, nhằm thể hiện các ý niệm, khắc hoa bức tranh phong phú về đời sống. Nếu như nhân vật trong thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích và truyện chí quái thường thuộc về một tuyến nhất định (xấu - tốt, cao cả - thấp hèn,...) và có tính chức năng (do vậy mà hành động khá đơn điệu) thì nhân vật trong truyện truyền kì được chú trọng xây dựng với những góc cạnh đa dạng, thể hiện dụng ý nghệ thuật thâm thúy.

- Sự việc kì ảo: Các biến cố, sự kiện, hành động,... kì ảo liên kết với nhau thành chuỗi, tạo nên cốt truyện có tính chất li kì, huyền hoặc. Sự việc kì ảo thường xảy ra trong một không gian và thời gian khác lạ, bất thường. Về không gian, có không gian cõi tiên với cảnh tượng kì thú; không gian âm phủ với khung cảnh hãi hùng; thiên nhiên sóng cuộn gió gào gợi cảm giác sợ hãi,... Về thời gian, có thời gian ban đêm mang đến ấn tượng huyền bí; thời gian hư ảo gợi ấn tượng về sự tĩnh tại, vĩnh hằng;... Cốt truyện của truyện truyền kì thường gắn chặt với các yếu tố văn hóá, tín ngưỡng, truyền thống lịch sử,... của từng dân tộc.

 

- Thủ pháp nghệ thuật: Sự kết hợp linh hoạt giữa yếu tố kì ảo (thường được nhận diện tương đối gồm  - kì lạ, khác thường, siêu phàm,... và quái - quái dị, ma quỷ, yêu tinh, ...) với yếu tố thực là thủ pháp quan trọng của truyện truyền kì. Biểu hiện cụ thể là sự pha trộn không gian các cõi (thần tiên, trần tục, âm phủ,...); sự thống nhất về thời gian thực và mộng, biến động xoay vần và tĩnh tại bất biến. Việc sử dụng giấc mộng, đan xen thực tại với hồi ức,... cũng là thủ pháp khá phổ biến giúp các tác giả tạo dựng nên một thế giới nghệ thuật có tính phức hợp.

- Truyện truyền kì chủ yếu hướng đến các nội dung xã hội - lịch sử. Do đó, yếu tố kì ảo được tác giả sử dụng như một phương thức nhằm lí giải một nội dung hiện thực nhất định; yếu tố kì ảo tham gia vào câu chuyện đã tạo nên sự lôi cuốn, sức hấp dẫn, sự li kì,... của tác phẩm. Trong truyện hiện đại, yếu tố kì ảo vẫn được các nhà văn tiếp tục khai thác, sử dụng theo nhiều cách thức khác nhau.

3. Đặc điểm ngôn ngữ trong truyện truyền kì

Truyện truyền kì thường có sự đan xen tản văn với biền văn và vận văn. Trong một truyện, có thể xuất hiện nhiều “tác phẩm” biền văn hoặc thơ ca được dẫn một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, phụ thuộc vào tình tiết, diễn biến của câu chuyện hoặc đối thoại giữa các nhân vật.

Những đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ truyện truyền kì: thường sử dụng lối nói so sánh - ẩn dụ; ưa hình thức biểu đạt cầu kì, khoa trương, phóng đại; chuộng ngôn từ hoa mĩ; dùng nhiều điển cố, hình ảnh biểu trưng,;... Nhìn chung, tính văn chương, giá trị biểu cảm của tác phẩm được tác giả truyện truyền kì đặc biệt chú trọng.

Với nội dung bài soạn Tri thức ngữ văn trang 92, 93 Ngữ văn lớp 12 Kết nối tri thức tập 1 chi tiết, dễ hiểu ở trên. Hay Học Hỏi hy vọng giúp các em nắm vững kiến thức Ngữ Văn 12 tập 1 Kết nối tri thức. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại nhận xét dưới bài viết để được ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.

 Xem thêm các bài Soạn Văn 12 Kết nối tri thức khác

Tri thức ngữ văn trang 92, 93

Hải khẩu linh từ trang 94 - 104

Muối của rừng trang 105 - 113

Thực hành tiếng Việt: Nghệ thuật sử dụng điển cố trong tác phẩm văn học trang 114, 115

Viết bài văn nghị luận về việc vay mượn - cải biến - sáng tạo trong một tác phẩm văn học trang 115 - 122

Trình bày về việc vay mượn - cải biến - sáng tạo trong một tác phẩm văn học trang 122, 123

Củng cố, mở rộng trang 123

Thực hành đọc: Bến trần gian trang 124 - 129

Đánh giá & nhận xét

captcha
Tin liên quan