Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện trang 39 Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức tập 1

15:41:2006/09/2024

Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện (Những đặc điểm trong cách kể của tác giả) trang 39 đến 45 Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức tập 1, bài 1: Câu chuyện và điểm nhìn trong truyện kể, nhằm gợi ý trả lời các câu hỏi qua đó giúp các em dễ dàng soạn văn 11 được tốt hơn.

Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện trang 39 lớp 11 Kết nối tri thức tập 1

Trong chương trình Ngữ văn lớp 10, bạn đã được làm quen và thực hành các đề bài nghị luận về một tác phẩm truyện. Qua đó, bạn đã nắm được tính chất, yêu cầu của kiểu bài văn và các thao tác cần vận dụng để phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện.

Chương trình Ngữ văn 11 đòi hỏi bạn đi sâu hơn vào việc phân tích, đánh giá tính nghệ thuật của một tác phẩm truyện, đặc biệt là những tìm tòi của tác giả trong cách kể câu chuyện. Để viết tốt kiểu bài này, bạn cần ôn lại các tri thức về nghệ thuật tự sự đã được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn 10 và ở bài học này.

Yêu cầu

- Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm truyện được chọn để phân tích (chú ý nêu khái quát các phương diện làm nên tính nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ đi sâu phân tích).

- Nêu được và phân tích một cách cụ thể, rõ ràng về các phương diện nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm (nghệ thuật sáng tạo tình huống, xây dựng cốt truyện, những nét đặc sắc của hình tượng người kể chuyện, cách tổ chức trần thuật, lời văn và giọng điệu...).

- Nêu nhận định, đánh giá về tác phẩm truyện dựa trên các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục với những phân tích có chiều sâu hay thể hiện góc nhìn mới mẻ.

- Khẳng định giá trị của tác phẩm được chọn để phân tích

Phân tích bài viết tham khảo

Một vài nét về nghệ thuật tự sự của Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa.

Câu 1 trang 39 Ngữ văn 11 Tập 1: Giới thiệu tác phẩm và phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ đi sâu phân tích.

Trả lời:

- Giới thiệu tác phẩm: Đời thừa là một truyện ngắn nổi bật của Nam Cao trong mảng đề tài về người trí thức. Tác phẩm đánh giá sự chín muồi trong tư tưởng nghệ thuật của nhà văn và thường được xem như một tuyên ngôn của Nam Cao về văn học.

- Phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ đi sâu phân tích là giá trị về mặt tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật tự sự của tác phẩm Đời thừa. 

Câu 2 trang 40 Ngữ văn 11 Tập 1: Mô tả và đánh giá cách Nam Cao tạo truyện kể.

Trả lời: 

- Đời thừa có cấu trúc của truyện ngắn điển hình. Toàn bộ câu chuyện chỉ diễn ra từ ngày hôm trước đến ngày hôm sau với sự kiện trung tâm là trận say rượu của nhà văn Hộ. Truyện cũng không được thuật lại theo trình tự thời gian. Mở đầu bằng dòng hồi tưởng của Hộ rồi quay lại cảnh hiện tại. Đây là một cách phá vỡ trật tự sự kiện điển hình trong văn chương. 

- Đánh giá: Cách tạo truyện kể của Nam Cao khá độc đáo và tinh tế. Từ lối truyện ngắn truyền thống, ông thay đổi trật tự của câu chuyện, kể chuyện theo dòng hồi tưởng của nhân vật Hộ đan xen với những chi tiết hiện tại đã làm nổi bật nên niềm say mê lớn nhất của nhân vật đó là đọc sách. Để từ đó giúp người đọc hiểu được con người tài hoa ấy, khi bị hoàn cảnh vùi dập đã tha hóa, khổ đau như thế nào. 

Câu 3 trang 40 Ngữ văn 11 Tập 1: Chỉ ra đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn (ngôi kể và điểm nhìn).

Trả lời:

- Ngôi kể: truyện sử dụng ngôi kể thứ ba

- Điểm nhìn trần thuật: điểm nhìn từ bên trong, gắn với ý thức của nhân vật. Hình thức trần thuật hướng nội này phù hợp với việc khắc họa nhân vật có nội tâm và tư tưởng như Hộ.  

Câu 4 trang 40 Ngữ văn 11 Tập 1: Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật.

Trả lời:

- Trong tác phẩm, nhân vật Hộ vốn là người có tư tưởng, hoài bão văn chương lớn lao của mình. Nhưng chính vì dòng đời, vì lẽ sống kiếm tiền nuôi vợ con của mình, anh phải bán đứng lý tưởng văn chương của mình và từ đó dẫn đến sự tha hóa về nhân cách trong con người anh. Một con người với nội tâm phức tạp, khó hiểu như vậy nhờ vào việc sử dụng ngôi thứ ba sẽ giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được diễn biến tâm lí của nhân vật. Từ hồi tưởng về quá khứ, nghĩ về những năm tháng hoàng kim của đời mình, rồi đến hiện thực tàn khốc rồi hiểu ra chính mình trong cơn say… tất cả làm nổi bật nên nội tâm của một người đang bị giằng xé khi phải lựa chọn trước lý tưởng văn chương thanh cao của bản thân và nỗi lo về cơm ăn, áo mặc trong cuộc sống.

- Kết hợp với việc lựa chọn điểm nhìn bên trong, gắn với ý thức của từng nhân vật đã giúp cho việc miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật của tác giả được rõ ràng. Một người luôn mang trong mình hoài bão lớn, lý tưởng lớn về văn chương nhưng chịu đựng nỗi lo về cơm áo gạo tiền mà trở lên tha hóa về nhân cách, làm khổ vợ con. Nội tâm anh luôn đấu tranh mạnh mẽ về điều này. Khi say rượu, anh thú nhận với Tứ nhưng Tứ không trách anh mà ngược lại nhận lỗi về mình bởi cô nghĩ rằng bởi nỗi lo toan về cuộc sống đã biến một con người tài hoa, vốn yêu văn chương bằng cả mạng sống trở thành một tên nát rượu, đánh đập vợ con. Cô thương cho người chồng bị cái khổ vùi dập mà không nỡ trách anh, chỉ dám nhận lỗi về mình. Đến đây, tác giả đã thành công sử dụng điểm nhìn bên trong để soi chiếu từng nhân vật cùng cách trần thuật hướng nội đã góp phần làm rõ được tính cách của hai nhân vật, một người nhận ra được lỗi lầm của mình và một người với lòng vị tha sâu sắc. Đó chính là tình cảm, sự cảm thông của những con người nghèo khổ với nhau.

Câu 5 trang 42 Ngữ văn 11 Tập 1: Chỉ ra mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm với nhà văn.

Trả lời:

Người kể chuyện được coi là hóa thân của Nam Cao trong câu chuyện Đời thừa. Bởi trong truyện, bên cạnh việc đồng cảm với hoàn cảnh, sự ăn năn hối lỗi của Hộ người kể chuyện cũng đanh thép, nghiêm khắc thể hiện qua cách xưng hô với nhân vật này về sự lầm tưởng của anh ta. Anh ta thực ra không tài giỏi như anh ta nghĩ, anh nghĩ rằng mình đang cưu mang Tứ nhưng thực chất là đang dày vò cô. Anh tâm tâm niệm niệm về ý nghĩa văn chương của mình nhưng lại xa rời với hiện thực của cuộc sống, và đó là sai lầm của anh. Tác giả hay chính người kể chuyện mỉa mai, nên án sự ngộ nhận trong cuộc đấu tranh nội tâm của Hộ và chỉ ra sai lầm trong nhận thức của anh từ đó để anh thấy được lỗi lầm của mình. 

Câu 6 trang 43 Ngữ văn 11 Tập 1: Đánh giá giá trị của tác phẩm.

Trả lời:

Tác phẩm Đời thừa của Nam Cao vừa nhân đạo và vừa có giá trị phê phán sâu sắc. Một mặt ông đồng cảm với những người tự nhìn nhận được lỗi lầm của mình. Nhưng mặt khác, ông phê phán những người trí thức đánh mất chính mình vì hoàn cảnh. Đồng thời, ông cũng phê phán gay gắt cái xã hội mục nát, đẩy con người vào tình thế éo le, nơi mà mọi thứ đều bị đổ lỗi cho hoàn cảnh, và ở đó, lí tưởng, khát vọng lớn của con người bị hy sinh, tha hóa bởi những thứ nhỏ nhặt trong đời sống. Nam Cao thể hiện đúng bản chất của mình như Nguyễn Minh Châu nói “tấm lòng thương đời nhất” và “con mắt nhìn đời ác nhất”. 

Trả lời câu hỏi:

Câu 1 trang 43 sgk Ngữ văn 11 Tập 1: Nghệ thuật tự sự của Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa có những phương diện đáng chú ý nào?

Trả lời:

Nghệ thuật tự sự của Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa có những phương diện đáng chú ý:

- Mạch kể truyện

- Điểm nhìn kể chuyện

- Thái độ của người kể với nhân vật

- Lời trần thuật

- …

Câu 2 trang 43 sgk Ngữ văn 11 Tập 1: Khi phân tích từng phương diện làm nên sức hấp dẫn của nghệ thuật tự sự trong Đời thừa, tác giả đã đi theo trình tự nào?

Trả lời:

Khi phân tích từng phương diện làm nên sức hấp dẫn của nghệ thuật tự sự trong Đời thừa, tác giả đã đi theo trình tự:

- Miêu tả yếu tố đó.

- Chỉ ra chức năng, vai trò của nó.

- Thái độ của người kể chuyện với nhân vật.

- Đánh giá hiệu quả nghệ thuật của nó.

Câu 3 trang 43 sgk Ngữ văn 11 Tập 1: Bạn có thể học hỏi được điều gì từ cách phân tích các phương diện của nghệ thuật tự sự trong Đời thừa? Điều gì ở bài viết làm bạn chưa thỏa mãn.

Trả lời:

- Học hỏi: Khi biết bài văn phân tích các phương diện của nghệ thuật tự sự cần phải nêu được giá trị của văn bản, chỉ ra phương diện nghệ thuật cần đánh giá. Mô tả và nêu vai trò chức năng của nó. Chỉ ra được thái độ của nhân vật và đánh giá hiệu quả nghệ thuật của nó.

- Bài viết chưa đánh giá hiệu quả nghệ thuật của nghệ thuật tự sự.

Thực hành viết

1. Chuẩn bị viết

- Chọn một tác phẩm truyện (truyện ngắn, tiểu thuyết) để lại cho bạn nhiều ấn tượng về cách kể chuyện.

- Xem lại các tri thức về truyện trong sách Ngữ văn 10 và trong bài này.

- Từ đó, có thể lựa chọn các đề tài như:

+ Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống truyện và nhân vật trong một tác phẩm truyện.

+ Phân tích đặc điểm, vai trò và chức năng của người kể chuyện trong tác phẩm truyện.

+ Phân tích cách xây dựng truyện kể của một tác phẩm truyện (cách tổ chức hệ thống sự kiện, điểm nhìn, lời văn…).

2. Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

* Đề bài: Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống trong truyện ngắn “Vợ nhặt” – Kim Lân.

Khi tìm ý, cần đặc biệt quan tâm các vấn đề sau:

- Tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, mối liên hệ giữa tác phẩm với nhà văn cùng bối cảnh thời đại và các khuynh hướng, trường phái văn học nghệ thuật liên quan.

- Xác định những phương diện cụ thể trong cách kể chuyện của tác phẩm mà bài viết sẽ đi sâu vào phân tích. Với đề tài nghệ thuật xây dựng tình huống trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, thử xác định xem những mâu thuẫn nào tạo nên tình huống truyện và tình huống ấy có thể bộc lộ điều gì về các nhân vật.

- Đặc biệt cần chú ý phân tích hiệu quả của các phương thức, phương tiện nghệ thuật đã giúp bộc lộ cảm quan về đời sống của nhà văn cũng như khơi gợi suy tưởng và hứng thú diễn giải ở người đọc. Trong truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã sử dụng hệ thống ngôn ngữ nói để làm bộc lộ tính cách, suy nghĩ của các nhân vật.

- Đánh giá giá trị của tác phẩm bạn đã chọn trên phương diện nghệ thuật: Tác phẩm có vị trí như thế nào trong sự nghiệp của nghệ sĩ? Nó tạo nên đột phá gì trong cách biểu đạt đời sống, đem đến những ấn tượng, xúc động thẩm mỹ mới mẻ thế nào? Tác phẩm Vợ nhặt đã làm rạng danh tên tuổi nhà văn Kim Lân, đúng với danh xưng Kim Lân là nhà văn của vùng nông thôn.

Lập dàn ý

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm nghệ thuật bạn sẽ phân tích. Nêu khía cạnh trong nghệ thuật của tác phẩm mà bạn sẽ tập trung làm rõ.

Thân bài: Căn cứ vào việc xác định các yếu tố làm nên tính nghệ thuật của tác phẩm truyện mà bạn chọn phân tích, triển khai bài viết thành các luận điểm tương ứng. Khi phân tích các yếu tố này có thể đi theo các trình tự: miêu tả yếu tố đó, chỉ ra chức năng, vai trò của nó; đánh giá hiệu quả của nó.

Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện.

Dàn ý cho đề bài “Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống trong truyện ngắn “Vợ nhặt” – Kim Lân”.

a) Mở bài

- Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm:

+ Kim Lân là nhà văn một lòng một dạ đi về với "đất", với "người", với "thuần hậu nguyên thủy" của cuộc sống nông thôn.

+ Nạn đói năm 1945 đã đi vào nhiều trang viết của các nhà văn, nhà thơ trong đó có Vợ nhặt của Kim Lân.

- Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề: Tình huống truyện độc đáo trong Vợ Nhặt.

b) Thân bài

* Khái niệm tình huống truyện

- Tình huống truyện là hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt mà tại đó cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất, bộc lộ rõ nét nhất ý đồ tư tưởng của tác giả.

- Tình huống truyện giữ vai trò là hạt nhân của cấu trúc thể loại.

* Phân tích tình huống nhặt vợ

- Bối cảnh xây dựng tình huống truyện:

+ Bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà kết quả là hơn hai triệu người chết.

+ Một không khí ảm đạm, thê lương, những người sống luôn bị cái chết đe dọa.

- Tóm tắt tình huống: Vốn là một anh chàng dân ngụ cư, xấu trai, ế ẩm lại nghèo, thế mà Tràng đã “nhặt” được vợ một cách ngẫu nhiên và quá dễ dàng ngay trong những ngày đói chỉ bằng mấy câu hát, mấy lời bông đùa “tầm phơ tầm phào”, mấy bát bánh đúc…

Các chi tiết độc đáo của tình huống truyện:

+ Ở Tràng hội tụ nhiều yếu tố khiến nguy cơ “ế” vợ rất cao:

Ngoại hình xấu xí, thô kệch.

Tính tình có phần không bình thường.

Ăn nói cộc cằn, thô lỗ.

Nhà nghèo, đi làm thuê nuôi mình và mẹ già.

Nạn đói đe dọa, cái chết đeo bám.

+ Tràng lấy vợ là lấy cho mình thêm một tai họa (theo lô gíc tự nhiên).

+ Việc Tràng lấy vợ là một tình huống bất ngờ

Cả xóm ngụ cư ngạc nhiên.

Bà cụ Tứ cũng hết sức ngạc nhiên

Bản thân Tràng có vợ rồi vẫn còn “ngờ ngợ”.

+ Tình huống truyện bất ngờ nhưng rất hợp lý:

Nếu không phải năm đói khủng khiếp thì "người ta" không thèm lấy một người như Tràng.

Tràng lấy vợ theo kiểu “nhặt” được.

* Giá trị của tình huống truyện

- Giá trị hiện thực:

+ Phác họa tình cảnh thê thảm của con người trong nạn đói

Cái đói dồn đuổi con người.

Cái đói bóp méo cả nhân cách.

Cái đói khiến cho hạnh phúc thật mỏng manh, tội nghiệp.

+ Tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật đã gây ra nạn đói khủng khiếp.

- Giá trị nhân đạo

+ Tình người cao đẹp thể hiện qua cách đối xử với nhau của các nhân vật.

Tràng rất trân trọng người “vợ nhặt” của mình.

Thiên chức, bổn phận làm vợ, làm dâu được đánh thức nơi người “vợ nhặt”

Tình yêu thương con của bà cụ Tứ.

+ Con người luôn hướng đến sự sống và luôn hi vọng, tin tưởng ở tương lai:

Tràng lấy vợ là để duy trì sự sống.

Bà cụ Tứ, một người già lại luôn miệng nói về ngày mai với những dự định thiết thực tạo niềm tin cho con dâu vào một cuộc sống tốt đẹp.

Đoạn kết tác phẩm với hình ảnh lá cờ đỏ và đoàn người phá kho thóc Nhật.

c) Kết bài

- Khẳng định tài năng nhà văn qua việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn.

- Khẳng định giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.

3. Viết

- Nên triển khai từng ý trong dàn ý thành một đoạn văn; ở từng đoạn văn cần có câu chủ đề đặt ở vị trí thích hợp.

- Cần dẫn lời văn hay chi tiết trong tác phẩm truyện có thể minh họa tốt cho ý đã được nêu.

- Lời văn cần tránh sự bình tán dễ dãi, lan man. Cách phân tích và đánh giá tác phẩm nghệ thuật cần có sự kết hợp hài hòa giữa lí (mạch phân tích) và tình (thái độ của người viết đối với tác phẩm.

Bài viết tham khảo

Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao là một trong những tác phẩm chân thực nhất, ấn tượng nhất mà em từng đọc. Truyện không chỉ thu hút người đọc bởi tính phản ánh chân thực hiện thực của xã hội mà nó còn hấp dẫn ở lối tự sự đầy sáng tạo, hấp dẫn của tác giả khi miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật Chí Phèo. 

Cách kể chuyện ở đây không chỉ đơn thuần là cách kể về diễn biến của câu chuyện về những sự kiện, sự việc diễn ra trong đó. Ở đây, Nam Cao đã vận dụng cách kể chuyện độc đáo không chỉ trong các sự kiện mà còn trong cả diễn biến tâm lí của nhân vật, đặc biệt là diễn biến tâm lí của nhân vật Chí Phèo - từ sự biến đổi sau khi đi tù về cho đến quá trình hoàn lương trở thành người lương thiện. 

Mở đầu tác phẩm, Nam Cao đã sử dụng cách kể chuyện độc đáo của mình để miêu tả một Chí Phèo say rượu, vừa đi vừa chửi. Điểm độc đáo ở đây là trong lời chửi, không chỉ là lời miêu tả của tác giả mà trong đó, có cả lời của chính nhân vật - những lời độc thoại nội tâm. Cách sử dụng những lời độc thoại nội tâm như vậy giúp người đọc có thể dễ dàng lắm bắt được diễn biến tâm lý nhân vật và thể hiện sự khai thác sự kiện trên cái nhìn đa chiều của tác giả. Tiếp đến, ông kể về Chí Phèo, là một đứa trẻ mồ côi lương thiện, bị bá kiến cho đi tù và ra tù, hắn trở thành con quỷ của làng Vũ Đại. Hắn trở thành một kẻ chuyên làm nghề rạch mặt, ăn vạ, ngày ngày say khướt và trở thành tay sai của bá kiến. 

Đỉnh cao của nghệ thuật kể chuyện độc đáo của Nam Cao phải kể đến ở chỗ khi ông phân tích quá trình hoàn lương của Chí Phèo. Hắn gặp Thị Nở - người đàn bà xấu xí cho hắn biết cảm giác thế nào là tình yêu, là niềm hạnh phúc. Tỉnh dậy sau đến gặp thị Nở, nhận thức của Chí Phèo dần thay đổi. Hắn đã hết say và lắng nghe thấy những thanh âm trong trẻo của cuộc sống mà trước đây hắn chưa từng nghe thấy. Hắn thấy vui rồi lại buồn, rồi lại nghĩ về tương lai, mơ ước về cuộc sống hạnh phúc, giản dị và bình yên. Chí Phèo đang cảm thấy hạnh phúc, chìm đắm trong tình yêu và sự quan tâm của thị Nở. Sau khi nghe lời khuyên của bà cô, thị quay ra đòi chia tay hắn, Chí Phèo muốn níu kéo niềm hạnh phúc nhỏ nhoi này nhưng hắn nhận ra, hắn chẳng có gì để níu kéo. Hắn muốn tìm lại kẻ đầu sỏ, kẻ khiến hắn trở lên như vậy - bá kiến. Đến đây, Nam Cao đã lột tả hết tài năng miêu tả diễn biến tâm lý của mình, ông khoan dung với số phận của hắn, tin tưởng vào sự lương thiện của con người khi miêu tả niềm vui, sự hạnh phúc nhen nhóm của Chí Phèo. 

Bởi vậy, sức hấp dẫn của Chí Phèo không chỉ nằm ở cốt truyện giản dị, thật tâm về người nông dân, nông thôn Việt Nam trong những năm chiến tranh, mà nó còn nằm ở sự độc đáo trong cách kể chuyện, miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật một cách chỉn chu, đa dạng trên nhiều phương diện khác nhau để soi chiếu được rõ nhất tâm lí của mỗi nhân vật. 

Vì vậy, truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao xứng đáng là một trong những tác phẩm hay nhất, kinh điển nhất về nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật của một nhà văn luôn phản ánh cuộc sống đời thực của những người bất hạnh trong xã hội. Nhưng qua đó, ông cũng khẳng định sự lương thiện luôn ẩn chứa trong họ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

4. Chỉnh sửa, hoàn thiện

- Đọc lại và kiểm tra bài viết. Đối chiếu với các yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để có những chỉnh sửa cần thiết.

- Xem lại mạch triển khai ý tưởng, cách diễn giải một số khái niệm liên quan đến nghệ thuật kể chuyện, các chi tiết, dẫn chứng được lựa chọn để làm rõ các luận điểm… để đảm bảo sự chặt chẽ, mạch lạc, chính xác của bài viết. Đặc biệt, nên chỉnh sửa những đoạn sa vào bàn luận nội dung của tác phẩm mà thiếu những phân tích có sự gắn kết nó với các phương diện thuộc về nghệ thuật kể chuyện.

- Rà soát và chỉnh sửa các lỗi về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Với nội dung bài soạn Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện trang 39 Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức tập 1 chi tiết, dễ hiểu ở trên. Hay Học Hỏi hy vọng giúp các em nắm vững kiến thức Ngữ Văn 11 tập 1 Kết nối tri thức. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại nhận xét dưới bài viết để được ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.

 Xem thêm các bài Soạn Văn 11 Kết nối tri thức khác

Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 9

Soạn bài Vợ nhặt trang 12

Soạn bài Chí Phèo trang 23

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 36

Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện trang 39

Soạn bài Thuyết trình về nghệ thuật kể chuyện trong một tác phẩm truyện trang 45

Soạn bài Củng cố, mở rộng trang 48

Soạn bài Thực hành đọc: Cải ơi trang 48

Đánh giá & nhận xét

captcha