Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 9, 10, 11 Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức tập 1, bài 1: Câu chuyện và điểm nhìn trong truyện kể, nhằm gợi ý trả lời các câu hỏi qua đó giúp các em dễ dàng soạn văn 11 được tốt hơn.
Truyện ngắn hiện đại là thể loại tự sự cỡ nhỏ, ở đó, sự ngắn gọn được nhìn nhận là một đặc trưng nổi bật, phản ánh nét riêng của tư duy thể loại. Truyện ngắn thường chỉ xoay quanh một, hai tình huống diễn ra trong khoảng thời gian, không gian hạn chế. Tuy nhiên, những lát cắt đời sống này lại giàu sức khơi gợi, có thể gây ấn tượng mạnh đối với người đọc. Do dung lượng bị giới hạn, truyện ngắn đòi hỏi sự chắc lọc, dồn nén của các chi tiết và việc vận dụng bút phát chấm phá trong trần thuật.
Truyện ngắn hiện đại là khái niệm thường được dùng để phân biệt với truyện ngắn trung đại (truyện ngắn thời trung đại). Tuy có mặt tương đồng về dung lượng với truyện ngắn trung đại nhưng truyện ngắn hiện đại có những đặc điểm riêng. Về đề tài, truyện ngắn hiện đại nghiêng về những câu chuyện của đương thời, của đời sống thường nhật, không nhất thiết phải hướng tới những nhân vật và sự kiện kì lạ, phi thường. Về cấu trúc, truyện ngắn hiện đại thường được tổ chức xoay quanh một lát cắt của đời sống, ít thể hiện tham vọng bao quát toàn bộ sự kiện hay số phận nhân vật. Về xây dựng tính cách, truyện ngắn hiện đại quan râm diễn tả những thay đổi về tâm lí, ứng xử của nhân vật trong quá trình phát triển của câu chuyện. Về nghệ thuật trần thuật, truyện ngắn hiện đại thường có sự chuyển đổi linh hoạt điểm nhìn và sử dụng ngôn ngữ gần gũi với đời thường, trong đó việc miêu tả nét riêng của ngôn ngữ nhân vật được đặc biệt chú trọng.
Câu chuyện (còn được gọi là truyện gốc) là nội dung của tác phẩm tự sự bao gồm nhân vật, bối cảnh và sự kiện được sắp xếp theo trật tự thời gian.
Truyện kể gắn liền với câu chuyện nhưng không đồng nhất: nó bao gồm các sự kiện được tổ chức theo mạch kể của văn bản tự sự, gắn liền với vai trò của người kể chuyện, hệ thống điểm nhìn và lớp lời văn nghệ thuật. Chú ý đến truyện kể tức là chú ý đến cách câu chuyện được kể như thế nào.
- Để câu chuyện được kể ra, nhất thiết phải có người kể chuyện (tức người biết, nhìn thấy và kể lại câu chuyện ấy). Người kể chuyện bao giờ cũng kể câu chuyện từ điểm nhìn nhất định, được hiểu là vị trí để quan sát, trần thuật, đánh giá.
- Có thể phân chia điểm nhìn trong tác phẩm tự sự thành nhiều loại khác nhau như: điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật được kể; điểm nhìn bên ngoài (miêu tả sự vật, con người ở những bình diện ngoại hiện, kể về những điều mà nhân vật không biết) và điểm nhìn bên trong (kể và tả xuyên qua cảm nhận, ý thức của nhân vật); điểm nhìn không gian (nhìn xa – nhìn gần) và điểm nhìn thời gian (nhìn từ thời điểm hiện tại, miêu tả sự việc như nó đang diễn ra hay nhìn lại quá khứ, để lại qua lăng kính hồi ức,…) Điểm nhìn còn mang tính tâm lý, tư tưởng, gắn liền với vai kể của người kể chuyện hoặc hoàn cảnh, trải nghiệm của nhân vật.
- Câu chuyện được kể có thể gắn với một điểm nhìn thấu suốt mọi sự việc, một quan điểm, một cách đánh giá mang tính định hướng cho người đọc. Nhưng cũng có thể câu chuyện được kể từ nhiều điểm nhìn, gắn với nhiều quan điểm, cách đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập nhau, xoay quanh sự việc hay nhân vật. Điều này tạo nên tính đối thoại của tác phẩm và đặt người đọc vào một vai trò chủ động, tích cực hơn trong việc diễn giải và đánh giá.
Lời người kể chuyện và lời nhân vật là những yếu tố cấu thành lớp lời văn nghệ thuật của văn bản tự sự.
- Lời người kể chuyện gắn với ngôi kể, điểm nhìn, ý thức và giọng điệu của người kể chuyện. Chức năng của nó là miêu tả, trần thuật, đưa ra những phán đoán, đánh giá đối với đối tượng được miêu tả, trần thuật cũng như định hướng việc hình dung, theo dõi mạch kể của người đọc.
Trong khi đó, lời nhân vật là ngôn ngữ độc thoại hay đối thoại gắn với ý thức, quan điểm, giọng điệu của chính nhân vật.
- Trong văn bản tự sự, đặc biệt ở các thể loại tự sự hiện đại, lời người kể chuyện và lời nhân vật có khả năng kết nối, cộng hưởng, giao thoa với nhau tạo nên mổ số hiện tượng đặc biệt về lời văn như lời nửa trực tiếp (lời của người kể chuyện nhưng tái hiện ý thức, giọng điệu của nhân vật), lời độc thoại nội tâm (tái hiện tiếng nói bên trong của nhân vật), lời nhại (lời mô phỏng quan điểm, ý thức giọng điệu của nhân vật với chủ ý mỉa mai hay bông đùa,…)
- Ngôn ngữ nói (còn gọi là khẩu ngữ) là ngôn ngữ âm thanh, được tiếp nhận bằng thính giác. Ngôn ngữ nói gắn liền với hoạt động giao tiếp của con người trong đời sống thường nhật như trò chuyện ở gia đình, nhà trường, nhà máy, công sở,…; phát biểu trong giờ học, cuộc họp, hội thảo; trao đổi khi mua bán ở chợ, siêu thị;…
- Trong một số trường hợp đặc biệt, ngôn ngữ nói cũng xuất hiện dưới hình thức văn bản viết, ví dụ: tin nhắn qua điện thoại hoặc qua các ứng dụng trên mạng xã hội, văn bản bóc băng ghi âm một cuộc phỏng vấn hay lời khai,… Những đoạn hội thoại giữa các nhân vật trong tác phẩm truyện thực chất là ngôn ngữ viết mô phỏng ngôn ngữ nói. Ở đây, ngôn ngữ nói đã được tái tạo, nghệ thuật hóa nhằm thực hiện chức năng thẩm mĩ, không còn là ngôn ngữ nói đích thực, “nguyên dạng”.
- Ngôn ngữ viết là ngôn ngữ được thể hiện bằng chữ viết, được dùng trong sách, báo, văn bản hành chính, thư từ,… Ngôn ngữ viết tồn tại trong các văn bản xuất hiện dưới nhiều hình thức vật thể khác nhau: bản viết tay, bảnh đánh máy, bản in, bản chữ nổi dành cho người khiếm thị,…
- Có những văn bản viết mà nội dung thông tin được truyền tải bằng âm thanh, chẳng hạn bài diễn văn, bản tin trên truyền hình,… Tuy các văn bản này được tiếp nhận bằng thính giác, những ngôn ngữ trong đó vẫn mang đầy đủ đặc điểm ngôn ngữ viết.
Với nội dung bài soạn Tri thức ngữ văn trang 9 Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức tập 1 chi tiết, dễ hiểu ở trên. Hay Học Hỏi hy vọng giúp các em nắm vững kiến thức Ngữ Văn 11 tập 1 Kết nối tri thức. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại nhận xét dưới bài viết để được ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.
• Xem thêm các bài Soạn Văn 11 Kết nối tri thức khác
Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 9
Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 36
Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện trang 39
Soạn bài Thuyết trình về nghệ thuật kể chuyện trong một tác phẩm truyện trang 45