Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội trang 33 lớp 10 Cánh Diều tập 1

10:38:4010/09/2024

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội trang 33 đến 37 Ngữ văn lớp 10 Cánh Diều tập 1, bài 1: Thần thoại và sử thi, nhằm gợi ý trả lời các câu hỏi qua đó giúp các em dễ dàng soạn văn 10 cánh diều được tốt hơn.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội trang 33 lớp 10 Cánh Diều tập 1

1. Định hướng

a) Nghị luận về một vấn đề xã hội có thể bàn luận về một tư tưởng, đạo lí,... nhưng cũng có thể nghị luận về một hiện tượng có thực trong đời sống con người, sự việc,...) hoặc một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. 

- Vấn đề xã hội đưa ra bàn luận có thể là hiện tượng tích cực, cũng có thể là hiện tượng tiêu cực hoặc có cả hai. 

- Như thế đòi hỏi người viết cần thể hiện được quan điểm của mình, từ đó phân tích, biểu dương cái tốt, cái đẹp và lên án, phê phán cái sai, vạch trần cái xấu, cái ác,..., nêu lên hướng khắc phục, giúp người đọc hiểu và làm theo cái đúng, có nhận thức và hành động tích cực,...

Tìm hiểu bài mẫu: Khi ta thay đổi thế giới sẽ đổi thay

Câu hỏi trang 34 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1

- Đoạn trích nêu lên hiện tượng gì của đời sống? 

- Nhận biết luận điểm và cách triển khai luận điểm. 

- Nhận biết các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ trong văn bản. 

- Quan điểm và thái độ của người viết về vấn đề nêu lên là gì? 

Trả lời:

- Đoạn trích nêu lên hiện tượng: Đổ lỗi, nói dối, không có trách nhiệm với hành động của mình.

- Luận điểm và cách triển khai luận điểm:

+ Đổ lỗi là cách hành xử mà nhiều người mắc phải.

+ Cần thay đổi, tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

- Các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ trong văn bản:

+ Giải thích: thế nào là đổ lỗi

+ Phân tích: Cách hành xử không đúng

+ Chứng minh: Câu chuyện của bản thân tác giả

+ Bác bỏ: Những lí do khiến người ta đổ lỗi cho người khác.

- Quan điểm và thái độ của người viết về vấn đề nêu lên: Phê phán, không ủng hộ việc đổ lỗi, quy tội cho người khác, không chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

b) Để viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội các em cần chú ý:

- Tìm hiểu đề (đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu của đề bài, xác định các thao tác lập luận, xác định phạm vi dẫn chứng của bài viết); xem lại các tác phẩm đã học liên quan đến vấn đề xã hội đặt ra của đề bài, ...

- Xác định các luận điểm, luận cứ trong bài viết, lựa chọn các dẫn chứng tiêu biểu cho mỗi luận cứ.

- Triển khai bài viết đảm bảo sáng rõ ý kiến và hệ thống luận điểm; cấu trúc chặt chẽ; sử dụng các bằng chứng thuyết phục - chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ.

- Liên hệ, mở rộng, so sánh với thực tiễn đời sống và suy nghĩ của bản thân.

2. Thực hành

Bài tập trang 35 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Chọn một trong hai đề văn sau để thực hành kĩ năng viết: 

Đề 1: Suy nghĩ về những tấm gương vượt qua số phận của chính mình.

Đề 2: Viết bài văn nghị luận bàn về sức mạnh của ý chi con người trong cuộc sống nhân học các đoạn trích “Hê-ra-clét đi tìm tảo vàng” và “Chiến thắng Mtao Mxây”.

a) Chuẩn bị (ví dụ với đề 1) 

Đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu của đề:

- Về nội dung: nêu lên suy nghĩ về hiện tượng những con người vượt qua số phận cần ca ngợi, biểu dương.

- Về thao tác nghị luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.

- Về phạm vi dẫn chứng: có thể lấy bằng chứng từ những con người và sự việc trong đời sống, từ các tác phẩm văn học hay những tấm gương từ sách, báo và phương tiện thông tin đại chúng, ...

b) Tìm ý và lập dàn ý 

- Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Thế nào là vượt qua số phận của chính mình?

→ “Số phận” là những điều đã được an bài từ trước theo quy luật của thiên mệnh hay là cách chúng ta thường nói về những khó khăn trở ngại trong cuộc đời? Nếu hiểu “số phận” gắn với những lời thở than, trách móc thì cụm từ này thiên nhiều về hàm ý nói về những rào cản, những “ranh giới” trong cuộc sống. “Những người không chịu thua số phận” là những người có bản lĩnh và nghị lực để vượt qua những ranh giới ấy. 

+ Để vượt qua được số phận cần đến những phẩm chất gì?

→ Dũng cảm, kiên trì, bền bỉ, có lòng quyết tâm và ý chí sắt đá.

+ Tại sao những phẩm chất ấy lại có thể tạo nên sức mạnh, giúp con người vượt qua được số phận của chính mình?

→ Những phẩm chất ấy có thể tạo nên sức mạnh, chúng hợp lại tạo nên cho chúng ta một tinh thần tốt, suy nghĩ thông suốt, không dễ bị khuất phục bởi những khó khăn thường xuyên xảy đến, giúp con người có đủ sức bền để có thể vượt lên, đạt tới đích đến cuối cùng.

+ Những tấm gương vượt qua số phận được thể hiện cụ thể như thế nào?

→ Những tấm gương vượt qua số phận: Nguyễn Sơn Lâm – chinh phục Phan xi păng bằng nạng gỗ; Cô gái “xương thủy tinh” Nguyễn Phương Anh; Nick Vujicic; Stephen Hawking – "ông hoàng vật lý", nhà bác học huyền thoại, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Lược sử thời gian"; …

+ Có thể rút ra bài học gì từ những tấm gương vượt qua số phận ấy?

→ Rút ra bài học: Trong hoàn cảnh đầy đủ tiện nghi sung túc, được sống trong sự yêu thương, quan tâm của cha mẹ, xã hội thì không ít học sinh, thanh niên tự đánh mất mình, lao vào tệ nạn xã hội, lối sống vô nghĩa ăn chơi, hưởng thụ, không biết cố gắng phấn đấu, để trở thành người có ích cho xã hội, đất nước.

- Trách nhiệm của chúng ta: Giúp đỡ, yêu thương, tương trợ lẫn nhau

- Lập dàn ý bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý tìm được thành ba phần theo gợi ý sau đây:

Mở bài

Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần bàn luận (vẻ đẹp của những con người vượt qua số phận của chính mình).

Thân bài

Lần lượt triển khai vấn đề nêu ở mở bài theo một trình tự nhất định. Tham khảo gợi ý sau đây: 

+ Giới thiệu khái quát một số tấm gương vượt qua số phận tiêu biểu; từ đó, rút ra vẻ đẹp chung: họ đều vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc sống bằng sức mạnh của ý chí, nghị lực con người. 

+ Giải thích khái niệm ý chí, nghị lực và sức mạnh của phẩm chất tinh thần: 

• Ý chí, nghị lực là phẩm chất tinh thần của một con người, một cộng đồng, dân tộc, thể hiện quyết tâm rất cao, không lùi bước trước khó khăn, gian khổ nhằm đạt bằng được mục đích đã đề ra. 

• Nêu lên những biểu hiện cụ thể của ý chí, nghị lực: Ý chí của con người được thể hiện qua suy nghĩ, tình cảm và đặc biệt qua các hành động, việc làm.

• Lí giải vì sao ý chí, nghị lực có thể trở thành sức mạnh giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách tưởng như không thể vượt qua. 

+ Chứng minh: Nêu lên và phân tích các ví dụ trong cuộc sống và trong văn học về những con người đã vượt qua số phận, đã chiến thắng nhờ có ý chí mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực của cuộc sống xưa và nay (trong lịch sử dụng nước, giữ nước trong cuộc sống lao động, chiến đấu; trong hoạt động văn hoá, thể thao; trong nghiên cứu, học tập,... Cũng có thể lấy ví dụ về những nhân vật trong các tác phẩm văn học để phân tích và làm sáng tỏ sức mạnh của ý chí, nghị lực trong cuộc sống).

+ Bình luận: 

• Đề cao vai trò của ý chí, nghị lực trong cuộc sống và phê phán những biểu hiện thiếu ý chí, nghị lực (nản chí, ngại khó, yếu đuối,...). 

+ Liên hệ và nêu lên phương hướng rèn luyện bản thân để có sức mạnh ý chí, nghị lực trong cuộc sống.

Kết bài

Khẳng định và đánh giá khái quát lại vấn đề đã bàn luận: sự cần thiết phải có ý chí, nghị lực trong cuộc sống.

c) Viết

* Bài viết mẫu tham khảo: 

Mỗi chúng ta đều có cuộc đời của riêng mình và không ai có quyền tự lựa chọn số phận cho chính mình. Bạn sinh ra trong hạnh phúc, đầy đủ về vật chất và tinh thần, nhưng ngoài kia có biết bao số phận đang ngày đêm vật lộn trước số phận bất hạnh của chính mình. Đó là điều đáng quý trọng hơn bao giờ hết.

Vượt lên số phận của chính mình là sự vươn lên, không chịu khuất phục trước số phận bất hạnh của chính bản thân mình. Cuộc đời bạn nghèo khó, khốn khổ, bạn không chấp nhận sự bất công đó mà luôn cố gắng, nỗ lực để kiếm tìm một cuộc sống có nhiều sự tốt đẹp hơn – đó chính là vượt lên số phận của chính mình. Ngay cả khi bạn đã đầy đủ về mọi mặt, đôi khi bạn cũng cần vượt lên nó để làm những điều mình thật sự muốn, thật sự thích. Hài lòng với những gì mình có đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận sự an bài của số phận và bạn sẽ rất khó có thể phát triển bản thân mình theo đúng cách.

Trong cuộc sống, ta có thể bắt gặp được những tấm gương luôn phấn đấu, vượt lên số phận bất hạnh của chính mình. Ngay từ xa xưa, chắc hẳn các bạn đã nghe đến câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi – một trạng nguyên trẻ dưới thời Trần Anh Tông. Sự thật thuở nhỏ, nhà ông rất nghèo, không có cả đèn để học. Như một số người họ sẽ chấp nhận số phận, bỏ con đường học hành và thay vào đó là đi kiếm cơm. Nhưng Mạc Trang nguyên thì không. Ông ban ngày vẫn làm việc phụ giúp gia đình, ban đêm, ông bắt đom đóm, cho vào vỏ trứng, lấy ánh sáng đọc sách. Chính ánh đèn lập lòe mờ nhạt trong đêm tối đó đã làm rạng rỡ thêm về nhân vật này – một tấm gương sáng về tinh thần vượt lên số phận của chính mình.

Hay như ngày nay, hình ảnh nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký không còn xa lạ với chúng ta – một tấm gương sáng cho tinh thần vượt lên số phận. Sinh ra với cơ thể không lành lặn, thầy bị tật nguyền hai tay và không thể cầm bút viết. Nhưng bằng ý chí, nghị lực phi thường của mình, thầy đã dùng chân để viết. Ban đầu thầy gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng sự kiên trì, nỗ lực không mệt mỏi, thầy đã có thể tiếp tục sự nghiệp học hành của chính mình và trở thành một nhà giáo xuất sắc.

Mọi người trong xã hội đều như vậy, đều mang trong mình những suy nghĩ vượt lên số phận của chính mình. Họ luôn nỗ lực, kiên trì và thành công đã mỉm cười với họ như một niềm an ủi “làm tốt lắm”. Chúng ta cũng vậy, cũng cần có tinh thần như vậy. Hãy noi theo những tấm gương sáng về tinh thần vượt lên số phận của chính mình để không chịu khuất phục trước nó. Trong cuộc đời sẽ có một khoảng trời nhỏ dành riêng cho bạn, hãy kiếm tìm nó bằng chính đôi tay của mình.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Đọc lại bài văn đã viết. Đối chiếu với các yêu cầu đã nêu ở các bước chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý) để kiểm tra và chỉnh sửa theo gợi ý sau: 

Nội dung kiểm tra

Yêu cầu cụ thể

Bố cục ba phần

- Mở bài: Đã giới thiệu được vấn đề xã hội cần bàn luận chưa? 

- Thân bài: 

+ Có giới thiệu được khái quát một số tấm gương vượt qua số phận tiêu biểu hay không? + Có giải thích được khái niệm ý chí, nghị lực và lí giải vì sao ý chí, nghị lực tạo nên sức mạnh không? 

+ Đã phân tích, chứng minh được sức mạnh ý chí, nghị lực thể hiện qua các nhân vật đã nêu ở phần khái quát để làm sáng tỏ hệ thống luận điểm chưa? 

+ Có nêu được ý kiến bình luận vấn đề và liên hệ, phát biểu được suy nghĩ riêng của người viết không? 

- Kết bài: Có khái quát được ý nghĩa của vấn đề không?

Các lỗi còn mắc

- Lỗi về ý: thiếu ý, lặp ý, lạc ý. 

- Lỗi về trình bày, chính tả, dùng từ và diễn đạt.

Đánh giá chung

- Bài viết đáp ứng yêu cầu đạt mức độ nào?

- Em thấy hứng thú hoặc khó khăn nhất khi thực hiện phần nào trong tiến trình thực hành viết?

Với nội dung bài soạn Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội trang 33 đến 37 Ngữ văn lớp 10 Cánh Diều tập 1 chi tiết, dễ hiểu ở trên. Hay Học Hỏi hy vọng giúp các em nắm vững kiến thức Ngữ Văn 10 tập 1 Cánh Diều. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại nhận xét dưới bài viết để được ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.

 Xem thêm các bài Soạn Văn 10 Cánh Diều tập 1

Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 11

Soạn bài Hê-ra-clét đi tìm táo vàng trang 13

Soạn bài Chiến thắng Mtao Mxây trang 19

Soạn bài Thần trụ Trời trang 26

Soạn bài Ra-ma buộc tội trang 28

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 32

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội trang 33

Soạn bài Thuyết trình về một vấn đề xã hội trang 38

Soạn bài Nữ Oa trang 40

Soạn bài Hướng dẫn tự học trang 42

Đánh giá & nhận xét

captcha
Tin liên quan