Mối quan hệ giữa Gen và Tính trạng, Sự tương tác giữa kiểu Gen và Môi trường, Mức phản ứng của Gen - Sinh 12 bài 13

08:18:5926/05/2022

Trong các thí nghiệm lai của mình, Menđen đã may mắn khi chọn được các tính trạng rất ít phụ thuộc vào điều kiện môi trường (tính trạng chất lượng). Giống đậu Hà Lan hoa đỏ trồng trong điều kiện nào cũng cho hoa đỏ. Thực tế, môi trường có sự ảnh hưởng lên biểu hiện của gen.

Bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về mối quan hệ giữa gen và tính trạng, sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường và mức phản ứng của kiểu gen.

I. Mối quan hệ giữa gen và tính trạng

- Mối quan hệ giữa gen và tính trạng:

 Gen (ADN) → mARN → Pôlipeptit → Prôtêin → Tính trạng

Sự biểu hiện của gen qua nhiều bước như vậy nên có thể bị nhiều yếu tố môi trường bên trong cũng như bên ngoài cơ thể chi phối.

II. Sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường

Nhiều yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến sự biểu hiện của kiểu gen. Kiểu hình là kết quả của sự tương tác giữa kiểu gen với môi trường cụ thể.

Ảnh hưởng của môi trường lên sự biểu hiện của kiểu hình

- Kiểu gen quy định khả năng phản ứng của cơ thể trước điều kiện môi trường.

- Với cùng một kiểu gen nhưng trong những điều kiện môi trường khác nhau cho những kiểu hình khác nhau.

- Kiểu hình là kết quả của sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường.

- Sự biểu hiện của 1 tính trạng ra ngoài thành kiểu hình ngoài phụ thuộc kiểu gen còn phụ thuộc: môi trường trong, môi trường ngoài, loại tính trạng.

* Ví dụ: sự thay đổi màu sắc của lông thỏ Hymalaya phụ thuộc vào nhiệt độ, màu sắc hoa cẩm tú cầu phụ thuộc pH của đất. → Kiểu hình bị chi phối bởi môi trường

Những biến đổi kiểu hình của cùng một kiểu gen,phát sinh trong quá trình phát triển cá thể dưới ảnh hưởng của điều kiện môi trường, không do biến đổi trong kiểu gen được gọi là thường biến.

III. Mức phản ứng của kiểu gen

1. Khái niệm

• Tập hợp các kiểu hình của cùng 1 kiểu gen tương ứng với các môi trường khác nhau gọi là mức phản ứng của một kiểu gen.

 Mức phản ứng được chia thành 2 loại:

- Mức phản ứng rộng: thường là những tính trạng về số lựng như: năng suất sữa, khối lượng, tốc độ sinh trưởng, sản lượng trứng, sữa,..

- Mức phản ứng hẹp: là những tính trạng chất lượng.

* Ví dụ: Tập hợp những kiểu hình của một con tắc kè tương ứng với các chế độ môi trường được gọi là mức phản ứng.

2. Xác định mức phản ứng của một kiểu gen

- Để xác định mức phản ứng của một kiểu gen cần tạo ra các cá thể sinh vật có cùng một kiểu gen.

- Đối với cây sinh sản sinh dưỡng, có thể xác định mức phản ứng của một kiểu gen bằng cách cắt cành đồng loạt của cùng một cây đem trồng ở những điều kiện môi trường khác nhau và theo dõi đặc điểm của chúng.

3. Sự mềm dẻo về kiểu hình (thường biến)

- Hiện tượng một kiểu gen có thể thay đổi kiểu hình trước những điều kiện môi trường khác nhau gọi là sự mềm dẻo về kiểu hình (hay còn gọi là thường biến).

- Sự mềm dẻo kiểu giúp sinh vật thích nghi với những thay đổi của môi trường.

- Mức độ mềm dẻo của kiểu hình phụ thuộc vào kiểu gen.

- Mỗi kiểu gen chỉ có thể điều chỉnh kiểu hình của mình trong một phạm vi nhất định.

Mức phản ứng của 2 kiểu gen khác nhau

4. Ý nghĩa của việc nghiên cứu mức phản ứng của gen

- Tìm được kiểu hình mong muốn từ kiểu gen, có biện pháp chăm sóc thích hợp để tăng năng suất.

Hy vọng với bài viết Mối quan hệ giữa Gen và Tính trạng, Sự tương tác giữa kiểu Gen và Môi trường, Mức phản ứng của Gen ở nội dung môn Sinh học lớp 12 trên của hayhochoi.vn giúp các em nắm vững khối kiến thức này. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại nhận xét dưới bài viết để Hay Học Hỏi ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.

Đánh giá & nhận xét

captcha
Tin liên quan