Hotline 0939 629 809

Cách học Địa lý hiệu quả, nhanh thuộc, dễ nhớ thi THPT 12

06:58:2428/06/2022

Địa lý thực tế là một môn học rất thú vị, giúp chúng ta hiểu biết về kinh tế xã hội, đặc điểm của các vùng đất trên lãnh thổ Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Mặt khác, Địa lý cũng là một trong các môn thi tốt nghiệp THPT hàng năm của không ít bạn học sinh.

Vậy làm sao để học Địa lý hiệu quả, nhanh thuộc, dễ nhớ để thi THPT 12 đạt kết quả cao là câu hỏi của rất nhiều bạn học sinh. Các em hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm các phương pháp học tập hiệu quả môn Địa lý giúp nhanh thuộc, dễ nhớ.

1. Học và Hiểu bài ngay tại lớp

- Tập trung trong tiết học, cố gắng nắm vững kiến thức cơ bản ngay tại lớp, khi về nhà chỉ cần xem qua có thể nhớ sâu bài học.

- Đọc trước bài học ở nhà, những bài học có nội dung dài hoặc có mối liên hệ với nhau thì nên tóm tắt bằng sơ đồ tư duy. Khi bài mới có những ý liên quan đến kiến thức đã học nên cố gắng liên hệ lại bài cũ để khắc sâu kiến thức, tránh nhầm lẫn các đơn vị kiến thức.

- Khi tìm hiểu các điều kiện phát triển của các ngành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), bao giờ cũng phải lưu ý điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội, chú ý nêu thêm một số các hạn chế, khó khăn về điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội đối với việc phát triển ngành kinh tế đó.

- Khi học về địa lý các vùng kinh tế, cần lưu ý một số vấn đề:

+ Xác định được vị trí địa lý (tiếp giáp vùng nào, nước nào, có giáp biển không,) qua đó đánh về ý nghĩa của vị trí đó trong phát triển kinh tế vùng.

+ Nắm được việc phát huy các thế mạnh kinh tế từng vùng, những hạn chế cần khắc phục.

2. Rèn luyện kỹ năng sử dụng Atlat

Tận dụng tối đa kỹ năng sử dụng Atlat. Cần xác định một số nguyên tắc chung khi sử dụng Atlat

Atlat Địa lý Việt Nam

+ Khi tìm hiểu tình hình sản xuất (tình hình phát triển) của một ngành, ta chủ yếu khai thác các biểu đồ tương ứng trong Atlat.

+ Khi tìm hiểu về đặc điểm phân bố thì xác định dựa trên bản đồ, để thấy sự phân bố theo vùng và theo các tỉnh.

* Lưu ý: Đối với câu hỏi yêu cầu nêu sự phân bố chung cả nước thì xác định theo vùng, khi hỏi về khu vực thì nêu phân bố theo tỉnh.

Sơ đồ tư duy giúp hệ thống kiến thức bài học

Sơ đồ tư duy giúp hệ thống kiến thức bài học

3. Bí quyết sử dụng biểu đồ

Biều đồ Địa lý

- Tập vẽ thật thành thạo các dạng biểu đồ: tròn, cột, đường, miền và kết hợp

- Rèn luyện kỹ năng nhận xét bảng số liệu: có thể nhận xét khái quát trước rồi đi vào chi tiết sau, chú ý các mốc cao nhất - thấp nhất, sự thay đổi đột ngột và nhận xét phải đi đôi với số liệu chứng minh.

+ Biểu đồ tròn:

Thường để thể hiện cơ cấu, tỉ lệ, tỉ trọng (%) của đối tượng mà dưới 2 năm. Ví dụ thể hiện cơ cấu của ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Việt Nam năm 2012...

+ Biểu đồ cột (đơn, đôi,...):

Thể hiện sự biến động của một đối tượng qua nhiều năm hoặc so sánh các đối tượng khi có cùng đơn vị trong một năm. Ví dụ thể hiện sự biến động dân số, diện tích đất đai...

+ Biểu đồ đường biểu diễn (đồ thị):

Thể hiện sự thay đổi, tăng trưởng, diễn biến của các đối tượng khác nhau về đơn vị qua nhiều năm. Ví dụ thể hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số

+ Biểu đồ kết hợp giữa đường và cột:

Thể hiện các đối tượng khác nhau về đơn vị nhưng có mối quan hệ với nhau. Hoặc đề bài có từ ba loại số liệu trở lên mà cần biểu diễn trên cùng một biểu đồ.

+ Biểu đồ miền:

Thể hiện rõ nhất sự thay đổi cơ cấu, tỉ trọng của hai hoặc ba nhóm đối tượng mà có từ 3 năm trở lên. Ví dụ thể hiện cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam hoặc cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ từ năm 1990 - 2005.

+ Biểu đồ cột chồng: Thể hiện tốt nhất quy mô và cơ cấu của đối tượng (theo tỉ lệ % tuyệt đối).

+ Ngoài ra có dạng biểu đồ miền kết hợp với đường:

Thường dùng biểu đồ này trong trường hợp đặc biệt: ví dụ tỉ lệ xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân xuất nhập khẩu, tỉ lệ sinh, tỉ lệ tử, tỉ lệ gia tăng tự nhiên

4. Kỹ năng tính toán, Các công thức địa lý

Nắm vững các công thức tính toán Địa lý:

° Công thức tính Mật độ dân số (người/km2) = Dân số/diện tích

° Công thức tính Tỷ suất gia tăng dân số tự nhiên (%) = Tỷ suất sinh - Tỷ suất tử

° Công thức tính Biên độ nhiệt = Nhiệt độ tháng cao nhất - Nhiệt độ tháng thấp nhất

° Công thức tính Cân bằng ẩm = Lượng mưa  Lượng nước bốc hơi

° Công thức tính Độ che phủ rừng = (Diện tích rừng x 100)/Diện tích tự nhiên

° Công thức tính Bình quân lương thực/người (kg/người) = Sản lượng/dân số

° Công thức tính Năng suất lúa (tạ, tấn/ha) = Sản lượng/Diện tích

° Công thức tính Cán cân xuất nhập khẩu = Giá trị xuất khẩu - Giá trị nhập khẩu

5. Rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm

Sau khi nắm vững kiến thức, các em hãy làm các bài thi trắc nghiệm, có đếm thời gian theo quy định, đặc biệt là các đề minh họa thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Đồng thời các em có thể tham khảo các hệ thống thi trắc nghiệm online, giúp các thường xuyên luyện tập, ghi nhớ và hệ thống được lượng kiến thức đã học, làm quen được với cấu trúc đề thi, tiếp xúc nhiều dạng bài, khảo sát được mức độ kiến thức của bản thân.

Qua quá trình dài làm quen với các bài thi trắc nghiệm ở trên lớp với các Thầy/Cô và luyện tập với hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến học sinh sẽ rút ra kinh nghiệm làm bài phù hợp với bản thân, biết nên làm câu nào trước, câu nào sau và dành thời gian cho mỗi câu bao nhiêu lâu là hợp lý nhất, những lỗi nào thường gặp phải, lỗi nào cần lưu ý, cần tránh để  không gặp phải khi làm bài. Bên cạnh đó, việc thi xong có đáp án ngay để tham khảo, so sánh sẽ giúp học sinh nhớ kiến thức sâu hơn và hệ thống hơn.

6. Ôn tập thi Địa lý 12 theo từng chủ đề

Theo Đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn Địa lý thể hiện rõ sự phân hóa với 7 câu về tự nhiên, 3 câu dân cư, xã hội; 10 câu về các ngành; 10 câu về vùng kinh tế; còn lại 10 câu kỹ năng làm bài đọc bản số liệu Alat. Với cấu trúc đề thi như vậy, bạn nên ôn tập theo từng chủ đề để dễ dàng vận dụng sơ đồ tư duy hệ thống kiến thức một cách chính xác. 

Kiến thức Địa lý lớp 12 chia ra làm 4 phần: Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, Địa lí kinh tế và Địa lí vùng kinh tế, mỗi phần đều có mối liên hệ qua lại với nhau. Có thể hệ thống lại những kiến hức này bằng sơ đồ tư duy, bằng sơ đồ hình cây, bằng bảng hệ thống… Đây là cách hệ thống hóa lại bài học giúp bạn dễ nhớ và đăc biệt là không bỏ sót kiến thức.

Sau khi hệ thống chủ đề lớn cần phân tích những nội dung nhỏ, bôi đậm những nội dung quan trọng. Cách làm theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thể. Các bạn học Địa lý thường rất e ngại các số liệu. Tuy nhiên, các bạn cần biết là không nhất thiết phải nhớ hết số liệu, chúng ta chỉ cần một dẫn chứng ở mỗi ý, nếu có hai số liệu (phần trăm hoặc số liệu thực tế), có thể chọn một trong hai. Nếu không thể nhớ chính xác số liệu thì có thể nhớ gần đúng theo dạng khoảng, gần bằng, lớn hơn... Ví dụ: nước ta có 2.360 con sông dài trên 10km thì các bạn có thể nhớ là hơn 2.000 con sông…

Các phần trong môn Địa lý đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu bạn đã nắm chắc kiến thức phần tự nhiên, dân cư thì phần Địa lý kinh tế và Địa lí vùng kinh tế cũng sẽ trở nên dễ dàng bởi kiến thức ở đây chủ yếu là sự lặp lại của phần kiến thức chung.

Các bạn cũng nên lưu ý đến những nội dung mang tính thời sự liên quan đến kiến thức Địa lý, bởi đây là câu hỏi thường gặp trong các đề thi những năm gần đây. Vì vậy, ngoài việc học thuộc lý thuyết, các bạn nên tìm hiểu thêm một số vấn đề mang tính thời sự nóng hổi về biển đảo, kinh tế qua sách báo, Internet để phần làm bài có tính thuyết phục hơn.

Trên đây là một số gợi ý chung để các em tham khảo và có cách học Địa lý hiệu quả, nhanh thuộc, dễ nhớ ôn thi THPT 12, trong quá trình học tập, học sinh sẽ được giáo viên hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn để có thể vận dụng một cách hiệu quả vào việc học tập môn Địa lí. Hayhochoi hy vọng bài viết sưu tầm này giúp ích cho các em, chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi tới và thành công.

 

Đánh giá & nhận xét

captcha
Tin liên quan