Đổi mới thi lớp 10, 'siết' lạm thu và dạy thêm

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa đưa ra 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 để các trường góp ý, lựa chọn, đồng thời sở này cũng có nhiều động thái để chấn chỉnh lạm thu và dạy thêm, học thêm.
 
siết lạm thu và dạy thêm
 
Đề xuất 3 phương án tuyển sinh
 
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 cấp THCS do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 13.8, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở đã xây dựng dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020.
 
Theo đó, phương án 1 sẽ thi tuyển 4 bài thi độc lập, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư thuộc một trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Bài thi thứ tư do Sở GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với bài thi toán và ngữ văn là 120 phút/bài, 2 bài còn lại là 60 phút/bài.
 
Phương án 2 là giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018 - 2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.
 
Phương án 3 là tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp. Trong đó tổ hợp 1 gồm 4 môn: ngoại ngữ, vật lý, lịch sử và giáo dục công dân; tổ hợp 2 gồm 4 môn: ngoại ngữ, địa lý, hóa học và sinh học. Thời gian làm bài thi toán và ngữ văn là 120 phút/bài; bài thi tổ hợp là 90 phút/bài. Việc quyết định tổ chức bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở GD-ĐT thực hiện theo hình thức bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3.
 
Ông Phạm Quốc Toản cũng cho biết, ngoài 3 phương án như trên, các trường có thể đề xuất phương án tuyển sinh khác. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổng hợp ý kiến đề xuất của các trường về phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 để trình UBND TP.Hà Nội phê duyệt. Dự kiến, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 sẽ được công bố trong thời gian học kỳ 1 năm học 2018 - 2019.
 
Hiệu trưởng chịu trách nhiệm nếu xảy ra lạm thu
 
Sở GD-ĐT cũng đã ban hành văn bản nêu rõ ngoài các khoản thu theo quy định, các trường không được thực hiện hoặc đề nghị ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) thu các khoản khác từ gia đình người học dưới bất kỳ hình thức nào; không tùy tiện lập các loại quỹ hoặc để ban đại diện cha mẹ HS lập quỹ ép buộc HS đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện. Đáng chú ý, sở này yêu cầu các trường chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ HS để thu các khoản thu ngoài quy định.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra các khoản thu, chi, đồng thời xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn xảy ra lạm thu. Đối với những khoản thu sai quy định, Sở yêu cầu phải trả lại cho HS. Tất cả các khoản thu chi phát sinh tại đơn vị phải được phản ánh và ghi sổ kế toán theo quy định.
Siết dạy thêm, học thêm
 
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục trong TP thực hiện nghiêm các quy định về dạy thêm, học thêm. Trong đó, Sở yêu cầu tuân thủ những nguyên tắc cơ bản như: hoạt động dạy thêm không áp dụng cho HS lớp 6, lớp 10 trong khoảng thời gian trước khai giảng năm học mới; không dạy thêm trước chương trình; không cắt giảm nội dung chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm; nội dung dạy thêm không được quá sức tiếp thu của HS; không tổ chức lớp học thêm theo các lớp học chính khóa; HS trong cùng một lớp học thêm phải có học lực tương đương nhau...
 
Ngoài ra, Sở cũng nhấn mạnh yêu cầu phải tuân thủ mức trần trong thu phí, tỷ lệ chi hoạt động dạy thêm, học thêm trong trường.
Theo Thanh Niên

Đánh giá & nhận xét

captcha