Đăng ký bao nhiêu nguyện vọng trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH 2019?

Ngày 1-4, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019, đồng thời đăng ký xét tuyển ĐH. Thí sinh nên đăng ký dự thi các môn thi tổ hợp thế nào và nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng?

Theo Bộ GD-ĐT, thí sinh cả nước sẽ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019 từ ngày 1 đến 20-4, đồng thời đăng ký xét tuyển đợt 1 vào các trường ĐH-CĐ với số lượng nguyện vọng không hạn chế.

Đăng ký các môn thi thế nào?

Kỳ thi THPT quốc gia tổ chức năm bài thi, gồm ba bài thi độc lập: toán, văn, ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên gồm các môn lý, hóa, sinh; khoa học xã hội gồm tổ hợp các môn sử, địa, giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình THPT và tổ hợp các môn sử, địa đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi bốn bài thi, gồm ba bài thi độc lập (toán, văn, ngoại ngữ) và một bài thi tự chọn trong số hai bài thi tổ hợp; thí sinh giáo dục thường xuyên phải dự thi ba bài thi, gồm hai bài thi độc lập (toán, văn) và một bài thi tự chọn trong hai bài thi tổ hợp. 

Thí sinh được chọn đăng ký thi cả hai bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, cần lưu ý thí sinh đã đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp bắt buộc phải thi cả hai bài thi này, nếu thí sinh bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét tốt nghiệp THPT.

Để xét tuyển ĐH, CĐ, trung cấp, thí sinh THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ, trung cấp. 

Thí sinh giáo dục thường xuyên có thể chọn đăng ký dự thi bài thi ngoại ngữ để dùng điểm bài thi này xét tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp chứ không dùng để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

đăng ký nguyện vọng trong kỳ thi thpt quốc gia 209

Phải lượng sức mình

Theo ThS Hứa Minh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, việc chọn môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia và những ngành nghề để đăng ký phù hợp là điều rất quan trọng với thí sinh. 

"Thực tế có thí sinh đăng ký dự thi tổ hợp môn khối C (văn, sử, địa) nhưng lại đăng ký xét tuyển vào ngành nghề xét tuyển khối A (toán, lý, tiếng Anh). Như vậy khả năng trúng tuyển của thí sinh này không cao và sức cạnh tranh sẽ không tốt bằng thí sinh đăng ký tổ hợp môn thi khối A. Vì vậy, thí sinh phải xác định rõ thế mạnh, sức học và sở thích của mình để đăng ký dự thi cho phù hợp" - thầy Tuấn lưu ý.

Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho rằng một trong những nguyên nhân thí sinh có điểm cao nhưng không trúng tuyển ĐH được do chọn sai nguyện vọng. 

"Điều này chứng tỏ thí sinh chưa xác định được nghề nghiệp mình chọn trong tương lai. Bên cạnh đó, thí sinh cần cân nhắc rất kỹ khi đăng ký thứ tự ưu tiên các nguyện vọng, vì khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển các nguyện vọng sau" - thầy Hùng cho hay.

Số liệu từ Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT cho thấy năm ngoái, về chọn bài thi tổ hợp, có 37% thí sinh đăng ký thi bài thi khoa học tự nhiên, 48% thí sinh đăng ký thi bài thi khoa học xã hội, chỉ có 4% thí sinh đăng ký cả hai bài thi tổ hợp. Trung bình các thí sinh đăng ký ba nguyện vọng xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH.

Theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện nay ĐH Quốc gia TP.HCM quy định thí sinh được chọn vào các trường thành viên có cùng một tổ hợp xét tuyển với kết quả đó không quá ba nguyện vọng. Điều này có nghĩa thí sinh có thể chọn ba ngành ở ba trường thành viên. 

"Việc xét tuyển theo thứ tự ưu tiên của thí sinh khi đăng ký xét tuyển. Nếu thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng nào rồi sẽ không được xét tiếp các nguyện vọng còn lại. Ngược lại, nếu chưa trúng tuyển nguyện vọng trước, thí sinh sẽ được tiếp tục xét tuyển các nguyện vọng còn lại theo thứ tự ưu tiên. Vì vậy, thí sinh thích ngành nào nhất cần đưa lên nguyện vọng 1" - thầy Hạ chia sẻ.

ThS Hoàng Thúy Nga - chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - thông tin sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển lần duy nhất (dự kiến từ ngày 22-7). Theo đó, thí sinh được thay đổi thứ tự nguyện vọng, tên ngành, mã ngành phù hợp với kết quả thi và sở thích mình mong muốn. 

Việc điều chỉnh nguyện vọng này thực hiện theo hai cách, nếu như số nguyện vọng không thay đổi thì nên sử dụng tài khoản cá nhân để điều chỉnh trực tuyến (từ 22-7 đến 17h ngày 29-7); nếu thay đổi số lượng nguyện vọng, đối tượng ưu tiên bắt buộc phải thực hiện điều chỉnh bằng phiếu tại nơi nộp hồ sơ đăng ký dự thi (từ 22-7 đến 17h ngày 31-7). 

Năm 2018 có gần 50% số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Nguyên nhân của việc này là do thí sinh chọn ngành không đúng, chọn đại, không tìm hiểu kỹ ngành học nên sau khi thi xong nghĩ lại thấy ngành "lạ" quá nên muốn thay đổi. Vì vậy, thí sinh cần phải lượng được sức mình. 

Khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án các môn thi THPT quốc gia, thí sinh cần nhẩm tính điểm mình đạt mức nào, đối sánh với điểm chuẩn năm trước xem mình có cần phải điều chỉnh nguyện vọng hay không. Như vậy thí sinh có thêm thời gian cân nhắc kỹ việc điều chỉnh nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển phù hợp sở thích của mình.

Đăng ký... 50 nguyện vọng

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ tuyển sinh năm 2018 đáng chú ý có thí sinh đăng ký tới... 50 nguyện vọng. Giải thích thêm về quy định trong đăng ký xét tuyển, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho hay năm nay thí sinh tiếp tục được quyền đăng ký vô số nguyện vọng.

Thực tế nhiều thí sinh nghĩ rằng cứ đăng ký "thả phanh" nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển ĐH. Thầy Khôi khuyên: "Thí sinh không nên chọn quá nhiều nguyện vọng, chỉ cần 4 - 6 nguyện vọng là đủ. Có thí sinh băn khoăn việc sau khi chọn nguyện vọng rồi, xét từ nguyện vọng cao rớt xuống nguyện vọng thấp bị mất quyền ưu tiên...

Tôi khẳng định trong trường hợp này thí sinh sẽ không bị mất quyền ưu tiên gì cả, vì việc xét tuyển chỉ dựa theo điểm chứ không dựa theo nguyện vọng. Vì vậy, thí sinh yên tâm chọn những ngành nghề mình thật sự yêu thích để có thể trúng tuyển vào những trường mình mong muốn phù hợp năng lực của mình".

Hồ sơ thi THPT quốc gia 2019 gồm những gì?

1. Đối với thí sinh chưa tốt nghiệp THPT: 2 phiếu đăng ký dự thi giống nhau; học bạ THPT hoặc học bạ giáo dục thường xuyên cấp THPT (bản sao được chứng thực từ bản chính, bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu); các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Để được hưởng chế độ ưu tiên liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thí sinh phải có bản sao sổ đăng ký hộ khẩu thường trú; 2 ảnh cỡ 4 x 6cm; 2 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh.

2. Đối với thí sinh tự do (thi lại) chưa có bằng tốt nghiệp: ngoài các hồ sơ quy định trên phải có thêm giấy xác nhận của trường phổ thông nơi thí sinh học lớp 12 hoặc nơi thí sinh đăng ký dự thi về xếp loại học lực đối với những học sinh xếp loại kém về học lực; bằng tốt nghiệp THCS hoặc trung cấp (bản sao được chứng thực từ bản chính, bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu); giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận.

Riêng đối với thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp không có học bạ THPT hoặc học bạ giáo dục thường xuyên cấp THPT đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên phải học và được công nhận đã hoàn thành các môn văn hóa THPT theo quy định.

3. Đối với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT: 2 phiếu đăng ký dự thi giống nhau; bằng tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp (bản sao); 2 ảnh cỡ 4 x 6cm; 2 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh.

Theo Tuổi trẻ

Đánh giá & nhận xét

captcha