Điển tích và điển cố là gì? Ví dụ điển tích, điển cố? Ngữ văn lớp 9

11:21:2731/07/2024

Điển tích và điển cố là gì? Ví dụ điển tích, điển cố? là câu hỏi sẽ được giải đáp qua bài 5: Khát vọng công lí (truyện thơ Nôm) Ngữ Văn lớp 9 SGK Chân trời sáng tạo tập 1.

1. Điển tích là gì, ví dụ điển tích?

Điển tích được hiểu là câu chuyện trong sách xưa, được dẫn lại một cách cô đúc trong tác phảm văn học.

* Ví dụ:

Vân Tiên tả đột hữm xung,

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương.

(Nguyễn Đình Chiểu, Truyện Lục Vân Tiên)

Trong cặp lục bát trên, tác giả đã sử dụng điển “Triệu Tử phá vòng Đương Dương”, gợi nhớ đến một câu chuyện trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa (La Quán Trung, Trung Quốc). Trong một lần bị Tào Tháo đánh bại ở Tân Dã, Lưu Bị phải bỏ chạy. Khi đến Đương Dương, do bị đuổi theo nên Lưu Bị phải cướp đường rút về phía nam, tướng tá lạc nhau. Trong hoàn cảnh ấy, Triệu Tử Long một mình bảo vệ vợ con Lưu Bị, đánh phá vòng vây trùng điệp của quân Tào, vượt cầu Trường Bản, tìm gặp Lưu Bị. Với việc sử dụng điển này, hình ảnh nhân vật Lục Vân Tiên hiện lên với vẻ đẹp của mẫu hình dũng tướng lí tưởng Triệu Tử Long. Qua đó, tác giả tô đậm sự đức độ của một người “vị nghĩa vong thân” (vì nghĩa quên mình) và tài năng của bậc anh hùng trong tình thế ngặt nghèo, đồng thời giúp người đọc cảm nhận rõ thái độ thán phục, ngưỡng mộ của tác giả dành cho nhân vật.

2. Điển cố là gì, ví dụ điển cố?

Điển cố là sự việc hay câu chữ trong sách xưa, được dẫn trong thơ văn một cách phù hợp, có dụng ý.

* Ví dụ:

Trước sau nào thấy bóng người,

Hoa đào năm ngoài còn cười gió đông.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Khi viết hai dòng lục bát trên, Nguyễn Du đã dẫn lại ý trong bài thơ Đề đô thành nam trang (Đề ở trại phía nam đô thành) của nhà thơ Thôi Hộ (Trung Quốc): Tích nhân kim nhật thử môn trung,/ Nhân điện đào hoa tương ánh hồng./ Nhân diện bất tri hà xứ khứ,/ Đào hon y cựu tiếu đông phong. Việc sử dụng điển này làm cho hai dòng thơ cô đọng, hàm súc, gợi tả đúng tâm trạng của Kim Trọng khi trở về tìm gặp Thúy Kiều nơi vườn cũ nhưng không còn thấy bóng dáng nàng ở đó nữa.

Nhìn chung, trong sáng tác văn chương, việc sử dụng điển tích, điển cố làm cho cách diễn đạt trở nên hàm súc, uyên bác, giàu sức biểu hiện, gián tiếp bộc lộ thái độ, cảm xúc của tác giả, đem lại hứng thú cho người học.

* Lưu ý: Điển tích, điển cố rất gần gũi nhau và sự phân biệt hai khái niệm này chỉ mang tính tương đối. Điển tích, điển cố thường gọi chung là điển.

Với nội dung tìm hiểu Điển tích và điển cố là gì? Ví dụ điển tích, điển cố? Ngữ văn lớp 9 tập 1 Chân trời sáng tạo chi tiết, dễ hiểu ở trên. Hay Học Hỏi hy vọng giúp các em nắm vững kiến thức Ngữ Văn 9 Chân trời sáng tạo tập 1. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại nhận xét dưới bài viết để được ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.

Đánh giá & nhận xét

captcha
Tin liên quan