Cách tuyển sinh của các trường đại học Mỹ

Nước Mỹ có năm nghìn trường đại học thì cũng có xấp xỉ ngần đó cách tuyển sinh với các tiêu chí, cách thức tuyển chọn rất khác nhau. Nhưng vẫn có thể tìm ra một số điểm chung bởi công tác xét tuyển luôn là sự so sánh để chọn ra các ứng viên tốt nhất. Vậy trường đại học Mỹ so sánh những gì và như thế nào?

Các trường đầu bảng đòi hỏi rất nhiều thông tin trong bộ hồ sơ dự tuyển, như: điểm học bạ, điểm thi SAT hoặc ACT, hoạt động ngoại khóa... Các trường thứ hạng thấp hơn sẽ giảm dần tiêu chí để thu hút học sinh có năng lực phù hợp. Trường trung bình chỉ xét điểm học bạ, còn trường thứ hạng thấp chỉ yêu cầu học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhưng ngay cả với các trường trung bình và thấp, nếu học sinh muốn nhận được học bổng từ trường, đặc biệt là suất học bổng 100% học phí (full tuition scholarship), hoặc học bổng toàn phần gồm cả học phí và tiền ăn ở (full ride scholarship) thì các yêu cầu về hồ sơ và cách thức xét học bổng cũng không khác nhiều trường danh giá.

Điểm học tập

Do kỳ tuyển sinh xảy ra vào đầu năm lớp 12 (từ tháng 10 đến hết tháng 12 đối với trường đầu bảng) nên các trường yêu cầu học sinh cung cấp điểm tổng kết các năm lớp 9 đến 11. Nhà trường yêu cầu cung cấp điểm học sinh đã nhận được trong lớp 12 tính đến thời điểm nộp hồ sơ. Điểm học tập càng cao càng tốt nhưng như vậy chưa đủ.

Trường khuyến khích học sinh và giáo viên chủ nhiệm cung cấp thứ hạng (rank) của học sinh trong lớp, trong toàn khối càng tốt. Việc cung cấp không bắt buộc nhưng nếu học sinh không có, họ sẽ tìm cách phỏng đoán thông qua các thông tin khác trong hồ sơ.

Học sinh thủ khoa (valedictorian) thường nhận được sự ưu ái đặc biệt và việc nằm trong top 5% hoặc 10% của lớp là điều kiện quan trọng để vào được các trường danh giá. Theo quan điểm nhà tuyển sinh, cách cho điểm ở các trường khác nhau có thể khác nhau nên thứ hạng trong lớp sẽ cung cấp sự so sánh tốt hơn học sinh từ mọi miền đất nước.

Điểm các kỳ thi chuẩn hóa

Có hai kỳ thi quan trọng là SAT (còn gọi là SAT 1) và ACT. Học sinh chỉ cần thi một trong hai nhưng nhiều em thi cả hai và nộp cả hai điểm. Kỳ thi SAT nghiêng nhiều về đánh giá năng lực chung trong khi ACT đánh giá cả kiến thức các môn học. Thí sinh có thể thi SAT hoặc ACT nhiều lần và nộp điểm cao nhất đạt được.

Một số rất ít trường yêu cầu có điểm thi SAT 2 (đánh giá kiến thức) nếu học sinh chọn nộp điểm thi SAT 1. Câu hỏi đặt ra là điểm thi này có thể đánh giá học sinh công bằng không khi họ có thể chọn một trong hai kiểu thi và thi ở rất nhiều đợt?

Câu trả lời một lần nữa nằm ở việc so sánh thứ hạng. Cả SAT và ACT đều do các tổ chức tư nhân thực hiện với sự chuyên nghiệp cao. Các nhà khảo thí biết khá chắc chắn một câu hỏi họ đưa ra sẽ có bao nhiêu phần trăm học sinh có thể trả lời. Kỹ thuật “cân bằng” (equating) trong từng đợt thi sẽ đảm bảo tương quan giữa điểm thi và năng lực của thí sinh không đổi trong tất cả đợt thi.

Nhưng quan trọng hơn cả là ngoài điểm, học sinh còn nhận được thông tin “thứ hạng phần trăm” (percentile rank) tức là điểm của mình vượt trên bao nhiêu phần trăm thí sinh dự thi. Như vậy, đằng sau điểm thi là thứ hạng tương đối của thí sinh so với toàn thể học sinh không chỉ của năm đó mà của cả vài năm trước và vài năm sau. Nhờ vậy các nhà tuyển sinh có thể sử dụng điểm để so sánh học sinh mà không cần quan tâm em đó thi ở đợt nào, hình thức nào.

cách tuyển sinh của các đại học Mỹ

Sinh viên Đại học Harvard, Mỹ. Ảnh: Harvard.

Hoạt động ngoại khóa

Các hoạt động ngoại khóa học sinh có thể liệt kê rất đa dạng, từ thể thao, nghệ thuật đến hoạt động chính trị, xã hội. Học sinh sẽ phải mô tả tỉ mỉ các hoạt động của mình, thời lượng dành cho ngoại khóa và thành tích nếu có. Từ mô tả này, các nhà tuyển sinh sẽ đánh giá sự nhiệt tình, tính sáng tạo và năng lực lãnh đạo của học sinh trong hoạt động ngoại khóa.

Học lực tốt nhưng ngoại khóa nghèo nàn chứng tỏ học sinh đó lười biếng hoặc chỉ vùi đầu vào học mà không quan tâm đến bên ngoài. Đây có thể là điểm liệt khiến hồ sơ bị loại dù điểm trên lớp và điểm thi tốt. Các nhà tuyển sinh quan tâm nhiều đến hoạt động ngoại khóa vì họ muốn cộng đồng học sinh của họ không chỉ học giỏi mà còn năng động, sáng tạo và có tố chất lãnh đạo. Họ hy vọng những học sinh đó sẽ thành công trong cuộc sống sau này vì lợi ích của cả sinh viên và nhà trường. Thành công của học sinh làm tăng danh tiếng của nhà trường và thu hút thêm học sinh tài năng vào trường.

Các trường đại học Mỹ tồn tại và phát triển không chỉ nhờ thu học phí hoặc nhận tiền từ chính phủ mà còn nhờ rất nhiều vào đóng góp thiện nguyện của nhà hảo tâm, trong đó cựu học sinh có vai trò quan trọng. Hoạt động ngoại khóa phục vụ cộng đồng rất quan trọng để học sinh nhận được học bổng lớn. Các đại học Mỹ tự trao cho mình sứ mệnh phát triển xã hội tốt đẹp hơn nên họ sẽ không trao học bổng cho những kẻ tài giỏi nhưng ích kỷ, chỉ tìm kiếm lợi ích cho bản thân.

Bài luận

Học sinh có thể phải viết một hoặc vài bài luận tùy yêu cầu từng trường. Đề bài có thể cố định (nhưng có tính mở rất cao) nếu nộp hồ sơ theo hệ thống Common Application hoặc thay đổi từng năm do nhà trường đề ra. Số lượng từ trong một bài viết thường được giới hạn. Mục đích của bài luận không chỉ chứng tỏ khả năng viết của học sinh mà còn để thể hiện em đó thế nào: tính cách, sự tinh tế, mức độ chín chắn, tầm suy nghĩ...

“Là chính mình” (be yourself) là lời khuyên chung nhất của các nhà tuyển sinh đối với học sinh. Những lời lẽ đao to búa lớn không giúp gây ấn tượng hơn và ngược lại sự khiêm tốn thái quá cũng làm mất điểm. Các bài luận sao chép sẽ giúp hồ sơ bị loại bỏ ngay lập tức, các bài viết dở mang lại điểm trừ cho hồ sơ.

Rất nhiều trường dùng chương trình máy tính xếp loại học sinh theo điểm trên lớp và điểm thi. Các yếu tố chính củng cố hay đảo ngược sự xếp hạng máy móc này chính là hoạt động ngoại khóa và bài luận. Nếu không có sự thay đổi nhiều về thứ hạng thì hoạt động ngoại khóa và bài luận sẽ giúp phân loại học sinh ngang nhau về năng lực học tập.

Có một số đồn đoán rằng các trường đầu bảng, nơi đào tạo nhiều nhà lãnh đạo của nước Mỹ và thế giới, coi bài luận quan trọng hơn cả điểm thi và điểm học vì họ cho rằng khả năng viết, biết cách kể một câu chuyện, biết cách thuyết phục người khác thông qua bài luận là tố chất quan trọng của một lãnh đạo. Liệu có thể nhờ viết hộ bài luận hay không?

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nhưng các nhà tuyển sinh sẽ có cách kiểm tra điều đó, dù không phải là tuyệt đối. Nếu bị phát hiện bài luận do người khác viết hộ, sự trừng phạt sẽ khá nặng. Văn hóa trung thực khá cao của nước Mỹ cũng khiến cho không nhiều người sẵn lòng viết luận hộ người khác. Viết sai về bản thân cũng là vi phạm và nếu bị phát hiện sẽ khiến học sinh bị hủy kết quả dù đã được nhận.

Thư giới thiệu

Các thư giới thiệu (thường là hai) từ giáo viên hoặc quan chức nhà trường giúp nhà tuyển sinh hiểu hơn về học sinh, đồng thời cũng giúp họ kiểm tra thông tin học sinh viết trong hồ sơ. Tuy vậy, họ không trông đợi người viết thư viết lại những gì đã có trong hồ sơ mà là những gì hồ sơ chưa thể hiện. Những lời lẽ tán dương không có dẫn chứng kèm theo sẽ không có tính thuyết phục.

Thư giới thiệu là nguồn thông tin bổ sung giúp nhà trường tin rằng mình nhận đúng người hoặc giúp nhà trường xem xét lại cách đánh giá đối với một học sinh. Bảng đánh giá học sinh đi kèm thư giới thiệu là sự tổng hợp cô đọng và rõ nét nhất tiêu chí mà các trường đại học quan tâm đến ở một học sinh.

Giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm được yêu cầu đánh giá học sinh, so sánh người đó với học sinh khác trong các tiêu chí như sự chín chắn, tính kỷ luật, tính ham hiểu biết, năng lực sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, khả năng lãnh đạo, sự quan tâm đến người khác. Sự so sánh không giới hạn trong lớp hay trong trường mà mở rộng ra cả cuộc đời người giáo viên.

Các mức đánh giá bao gồm từ “dưới trung bình” đến “hiếm có” (top 5% học sinh) và “cực kỳ hiếm” (chỉ gặp một hai lần trong đời).

Đóng góp tài chính

Khả năng tài chính của gia đình ảnh hưởng rất lớn đến việc học sinh có thể theo học trường cao hay thấp bởi trường thứ hạng càng cao chi phí học tập càng cao. Nhưng nếu có năng lực vượt trội, học sinh nghèo vẫn có cơ hội được nhận vào trường tốt bởi đa số trường đại học Mỹ dùng học bổng và hỗ trợ tài chính để thu hút học sinh giỏi.

Các học bổng dựa trên kết quả học tập thuần túy thường có giá trị không quá 50% học phí. Hỗ trợ tài chính ở mức độ cao hơn sẽ đòi hỏi đánh giá ứng viên một cách toàn diện hơn. Hỗ trợ tài chính căn cứ cả vào tình hình tài chính của gia đình và chỉ dành cho học sinh xuất sắc nhưng gia đình có năng lực tài chính hạn chế. Ở chiều ngược lại, xin hỗ trợ càng nhiều ứng viên sẽ càng phải xuất sắc hơn để được trường nhận.

Phỏng vấn

Phỏng vấn là công đoạn quan trọng để các trường hiểu rõ hơn về học sinh, xác nhận lại (một cách kín đáo) một phần trong số thông tin được khai trong hồ sơ. Trong đa số trường hợp, nó giống như buổi nói chuyện. Phỏng vấn qua Skype hoặc Viber được áp dụng nhiều trong thời gian gần đây.

Còn có một số yếu tố khác ảnh hường đến kết quả tuyển sinh như tính đa dạng mà nhà trường muốn hướng tới. Mức độ quan tâm của học sinh tới trường ít nhiều cũng có thể giúp một học sinh được nhận vào một trường đại học.

Đôi điều suy ngẫm

Gần đây có dư luận cho rằng kỹ sư tốt nghiệp từ Đại học Thái Nguyên làm việc không thua gì kỹ sư từ trường kỹ thuật hàng đầu của miền Bắc. Đây là điều khác thường bởi điểm đầu vào của Đại học Thái Nguyên khá thấp (14 điểm trong năm 2018). Phải chăng trường có chương trình đào tạo tốt?

Có một giả thiết hợp lý hơn là với điểm đầu vào không cao, vị trí trường không nằm ở thủ đô nên đa số học sinh vào đây từ các tỉnh, vùng nông thôn vốn quen lao động giúp gia đình ngoài giờ học. Lao động từ nhỏ mới là yếu tố giúp sinh viên của trường làm tốt khi bước vào đời.

Nếu xét điểm tổng thể gồm cả điểm thi và hoạt động ngoại khóa theo cách đánh giá của các trường đại học Mỹ (bao gồm cả lao động ngoài giờ học, làm công việc gia đình) thì có lẽ điểm đầu vào của Đại học Thái Nguyên không kém bất kỳ trường nào trong vùng.

Chúng ta từng bắt gặp nhiều bài báo nói rằng học sinh Mỹ học “dễ ợt”, học sinh Mỹ học kém về toán, học sinh Mỹ có điểm thi PISA thấp... Nhưng có một nghịch lý là bất chấp những “yếu kém” đó, nước Mỹ vẫn là cường quốc số một của thế giới. Cách tuyển sinh của các đại học Mỹ có thể là câu trả lời cho nghịch lý này: họ chú ý đến năng lực lãnh đạo của học sinh từ rất sớm.

Lãnh đạo cần được hiểu là người dẫn đầu xu thế, có ảnh hưởng lớn đến tập thể và xã hội chứ không nhất thiết phải là người chỉ huy. Không phải ai cũng trở thành lãnh đạo, nhưng hệ thống chọn lọc và bồi dưỡng sớm sẽ giúp những học sinh có tài năng lãnh đạo có cơ hội thể hiện và phát triển.

Nghịch lý nước Mỹ cũng cho thấy không phải điểm học, điểm thi mà các hoạt động ngoại khóa và bài luận mới là nơi người ta tìm thấy tố chất lãnh đạo của những người còn rất trẻ. Không có gì là hoàn hảo nhưng phương thức tuyển sinh của các trường đại học Mỹ đã góp phần làm nên một hệ thống giáo dục đại học hàng đầu thế giới và một nước Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.

Theo Vnexpress

Đánh giá & nhận xét

captcha